Đây được xem là biện pháp chủ động, khả thi và hiệu quả cao, nhất là trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng cũng như giám sát các khu cách ly tập trung.
Doanh nghiệp công nghệ tiếp sức
Đầu tháng 5, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ TT-TT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở TT-TT các tỉnh, thành phố về việc thực hiện hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung để phòng chống Covid-19. Theo đó, để thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung, Bộ TT-TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát cơ sở vật chất tại các khu cách ly tập trung, đảm bảo việc giám sát chặt chẽ người được cách ly; các khu cách ly tập trung phải có camera đủ để giám sát người được cách ly thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.
Bộ TT-TT đã chỉ đạo Tập đoàn Viettel và Tập đoàn VNPT xây dựng hệ thống giám sát, phối hợp với Sở TT-TT các tỉnh, thành phố triển khai khảo sát, kết nối camera giám sát tại khu cách ly về hệ thống giám sát tập trung do Bộ TT-TT chỉ định. Do tình hình chống dịch cấp bách, Bộ TT-TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở TT-TT triển khai sớm nhất có thể. Ngay sau đó, Tập đoàn Viettel đã hoàn thành lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Riêng đối với 130 cơ sở cách ly tại 125 xã của tỉnh Bắc Giang - địa phương đang có diễn biến dịch Covid-19 căng thẳng nhất cả nước, Viettel đã huy động nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera trong 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường.
Toàn bộ dữ liệu hình ảnh từ camera được tích hợp lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm Điều hành giám sát. Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép Ban Chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo tại tỉnh và bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp. Với việc triển khai camera của Viettel, các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ, hạn chế các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh trong điều kiện nhân lực, vật lực thực hiện giám sát của tỉnh đã được huy động tối đa.
Chờ vòng đeo tay giám sát
Mới đây, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly tập trung. Hiện giải pháp sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng trong phòng chống Covid-19 đã được một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng. Đề xuất phương án áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng quản lý người cách ly do doanh nghiệp Việt Nam phát triển, Bộ TT-TT cho biết, thiết bị này sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm, pin dùng trong 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện phá hoại hoặc ra khỏi vùng cách ly. Bộ TT-TT kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 giao Bộ TT-TT chủ trì, chỉ đạo một số doanh nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm sử dụng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Dự kiến, thời gian để nghiên cứu, tùy biến sản phẩm cho phù hợp với yêu cầu và sản xuất đại trà số lượng lớn khoảng 4 tuần - sau khi được phê duyệt chủ trương và phương án kỹ thuật. Hai chức năng chính của vòng đeo tay chuyên dụng là: phát hiện tiếp xúc gần dựa trên công nghệ bluetooth năng lượng thấp; kiểm tra tuân thủ của các đối tượng trong quá trình cách ly y tế bắt buộc dựa trên công nghệ định vị GPS.
Việc sử dụng vòng đeo tay chuyên dụng sẽ khắc phục một số nhược điểm như: người dùng không có hoặc không có khả năng dùng smartphone, người dùng chủ động tắt bluetooth hoặc GPS, người dùng không mang theo smartphone bên người hoặc tắt smartphone. Theo Bộ TT-TT, tùy theo nhu cầu, phương pháp phòng chống dịch của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ mà quy định việc sử dụng vòng đeo tay với một trong hai hoặc cả hai loại công nghệ nói trên. Điển hình, Singapore đã đưa vào sử dụng cả thiết bị phát hiện tiếp xúc gần và thiết bị hỗ trợ giám sát cách ly bắt buộc.
Cuối tháng 4-2021, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ TT-TT đã ban hành “Tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Đây là tài liệu hướng dẫn sử dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ của Việt Nam kết hợp công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng và biện pháp hành chính của chính quyền địa phương. Bộ giải pháp công nghệ trong tài liệu hướng dẫn gồm có: ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone; ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD; ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI; hệ thống ghi nhận việc đến - đi tại các địa điểm công cộng (mã QR code); và hệ thống bản đồ chống dịch An toàn Covid-19. |