Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm trên vùng đất thấp và bị lún, 40% diện tích thành phố hiện thấp hơn mực nước biển. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước có từ thời thuộc địa đã quá cũ kỹ. Những điều này khiến Jakarta rất dễ bị ngập lụt. Chính quyền Jakarta đang đặt hy vọng vào dự án trị giá 40 tỷ USD, mang tên “Garuda vĩ đại”.
Ứng phó chống ngập nước đô thị (K1): Malaysia - Đường hầm 2 trong 1
Ứng phó chống ngập nước đô thị (K2): London - Thoát lũ nhờ Thames Barrier
Thành phố đang chìm
Jakarta nằm trên bờ Tây Bắc biển Java, ở cửa sông Ciliwung trên vịnh Jakarta. Đó là một vùng lòng chảo, có độ cao từ thấp hơn 2m đến cao hơn 50m so với mực nước biển và độ cao trung bình 8m so với mực nước biển. 40% thành phố nằm ở dưới mực nước biển, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.
Do phần phía Nam chủ yếu là đồi, các con sông chảy từ cao nguyên Puncak đến phía Nam rồi đổ vào biển Java theo hướng Bắc. Con sông lớn nhất là Ciliwung, chia thành phố thành khu Tây và khu Đông. Những con sông khác gồm Pesanggrahan và Sunter.
Các con sông này, cộng với khí hậu mưa nhiều và hệ thống thoát nước cũ kỹ khiến Jakarta dễ bị ngập lụt. Hơn nữa, thành phố này đang chìm dần mỗi năm 5-10cm, thậm chí ở khu vực duyên hải phía Bắc bị chìm tới 20cm/năm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đô thị ở Đông Nam Á. Manila đang chìm 9cm/năm, TPHCM 7,6cm/năm và Bangkok 2,5cm/năm.
Góp phần làm cho Jakarta chìm dần còn do hiện tượng lún từ việc khai thác nước ngầm. Điều này phổ biến ở Jakarta vì đa số cư dân của thành phố lấy nước dưới mặt đất từ giếng khoan. Các giếng khoan cũng cung cấp 1/3 nhu cầu nước cho các hoạt động kinh doanh và công nghiệp. Điều này trở nên tồi tệ hơn bởi trọng lượng tuyệt đối của Jakarta ngày càng tăng theo sự mở rộng đô thị.
Phát triển kinh tế trong những thập niên gần đây đã làm thay đổi thành phố từ đô thị thấp tầng thành một “rừng” tòa tháp cao tầng ngày một dày hơn. Trọng lượng của những tòa nhà đang nghiền nát mặt đất yếu bên dưới. Thành phố đang chìm xuống, trong khi nước biển ngày càng dâng lên.
Các nhà khoa học tính toán rằng mỗi thế kỷ, mực nước biển tăng bình quân 20cm. Dự báo 10-15 năm nữa sẽ có nhiều khu vực của Jakarta sẽ bị ngập trong nước biển, đe dọa trực tiếp tới môi trường sống của cả triệu người dân đô thị.
Thảm họa chực chờ
Không thể ngăn chặn việc thành phố ngày một chìm xuống, Jakarta tập trung tìm biện pháp ngăn chặn tình trạng ngập úng do nước biển. Cơn bão hồi tháng 2-2007 đã khiến chính phủ thêm quyết tâm. Cơn bão này trùng hợp với thủy triều lên đã đưa một lượng nước lớn từ vịnh Jakarta vào thủ đô. Gần một nửa diện tích Jakarta bị bao phủ trong 4m nước bùn. Ít nhất 76 người đã thiệt mạng và 590.000 người bị mất nhà cửa, thiệt hại khoảng 544 triệu USD.
Sau cơn bão, một vài phương án được đưa ra, trong đó có việc di chuyển dân cư đến phần cao hơn của thành phố ở phía Đông Nam, hay tới một hòn đảo khác. Với mật độ dân số 5.585 người/km2 phương án này quả thực không dễ thực hiện. Một phương án khác là đơn giản bỏ luôn phần phía Bắc Jakarta.
Tuy nhiên, Jakarta chính là quả tim nền kinh tế Indonesia, đóng góp tới 20% GDP. Phó mặc 40% thành phố, nơi ở của gần 1/2 dân số Jakarta, cho nước biển là điều không thể. “Nếu bỏ hoang khu vực Bắc Jakarta, sẽ mất 220 tỷ USD tài sản” - Robert Sianipar, một quan chức cấp cao của Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế, nói.
Cuối cùng, chính quyền quyết định tập trung giải pháp bảo vệ bờ biển và cải tạo các hệ thống kênh thoát lũ đã xuống cấp. Chính phủ Hà Lan đồng ý sẽ hỗ trợ kỹ thuật. Chiều cao của con đê biển dài 32km trước đây đã được nâng lên vào năm 2008.
Tuy nhiên, nó không có khả năng bảo vệ thành phố chống lại một cơn bão lớn, hoặc thậm chí một đợt triều cường cao vừa phải. Khi thủy triều cao ở một số nơi, con đê này hầu như khó nhô lên được khỏi mặt nước, một phần do nước biển ngày một cao hơn, phần do con đê chìm dần vào trầm tích phù sa mềm.
Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những cơn lũ thảm họa sẽ sớm trở thành thường xuyên tại Jakarta và gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế-xã hội. Dự báo của WB đã đúng khi vào tháng 1-2013, một cơn bão gió mùa lớn đã khiến nhiều phần của thành phố ngập dưới 1,6m nước.
Garuda giương cánh
Không lâu sau, kế hoạch tổng thể phát triển ven biển ở thủ đô (NCICD), còn được gọi là “Đê biển khổng lồ” hay “Garuda vĩ đại” (do có hình dáng giống Garuda - nhân vật trong huyền thoại Hindu hiện diện trong quốc huy của Indonesia, nửa người nửa đại bàng và là thần của sự bất tử) được triển khai.
Phức hợp công trình trị giá 40 tỷ USD bao gồm bức tường chắn nước dài 24km và 17 hòn đảo nhân tạo có chức năng mở hoặc đóng vịnh Jakarta. Với thời gian xây dựng 40 năm, dự án sử dụng công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm của Hà Lan - quốc gia rất thành công và nổi tiếng thế giới về những công trình ngăn nước biển, chống ngập và lấn biển.
Ở phía sau đập ngăn nước biển khổng lồ này sẽ có nhiều vùng lớn tích trữ nước ngọt và nhiều đảo nhân tạo. Vì thế, dự án lớn này còn nhằm cả mục đích lấn biển, tạo không gian và môi trường sống mới cho người dân trong đô thị.
Phối cảnh dự án Garuda vĩ đại. |
Việc xây dựng được khởi công ngày 9-10-2014. Giai đoạn đầu của dự án Garuda vĩ đại là xây dựng bức tường dày 1,8m ở phía trong bức tường cũ nhằm kéo dài khả năng chống chịu của Jakarta. Hiện thành phố này có tới 13 con sông và nhiều con rạch. Một số con rạch chảy vào hồ giữ nước lũ.
Một trạm bơm sau đó hút nước từ hồ đổ vào vịnh Jakarta qua một đường ống dài vài trăm mét. Cần thêm nhiều hồ lớn hơn để xả nước của tất cả con sông và kênh rạch khác, bao gồm cả các kênh chống lũ lớn.
Tuy nhiên, để có được tổng diện tích hồ lên đến 100km2 nhằm chứa được lượng nước lớn trên là điều không thể ở một thành phố đông đúc như Jakarta. Garuda vĩ đại sẽ giải quyết điều đó bằng cách tạo ra một hồ chứa lớn ở trong vịnh Jakarta, được bao bọc bởi kè bờ bên trong và bên ngoài và dùng máy bơm trên bờ để bơm nước ra.
Tuy nhiên, thành phố phải giải quyết một vấn đề lớn là cung cấp nước máy sạch cho hầu hết cư dân và thiết lập các cơ sở xử lý chất thải để các con sông, kênh rạch và hồ chứa nước của dự án Garuda vĩ đại không bị ô nhiễm. Về kỹ thuật và công nghệ, dự án này hoàn toàn khả thi. Khó khăn lớn ảnh hưởng quyết định tới tính khả thi ấy là vốn đầu tư và kết hợp xây dựng đập với quy hoạch và phát triển đô thị.
(Còn tiếp)