Ứng phó virus “thiên nga đen”

(ĐTTCO)-Đã trải qua hơn 18 năm kể từ khi bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS), thế giới tiếp tục ghi nhận 6-7 nạn dịch khác, và nay đang là dịch virus corona mới (nCoV). Cùng với chiến tranh và các biến động kinh tế - chính trị lớn, những nạn dịch này được gọi là sự kiện “thiên nga đen”, đều ảnh hưởng ít nhiều đến nền kinh tế và tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu.
Ứng phó virus “thiên nga đen”
Vậy, xu hướng TTCK 2020 liệu có bị biến động nhiều? Ngành nghề nào sẽ triển vọng ra sao? Đâu sẽ là tiêu chí đầu tư mới của các nhà đầu tư? Những chiến lược đầu tư hợp lý nào để đối phó khủng hoảng do virus “thiên nga đen”? Chúng ta cùng nhau đánh giá dưới các góc độ phân tích.

TTCK bị ảnh hưởng nặng nề
Từ khi virus corona phiên bản mới xuất hiện hồi cuối tháng 12-2019, TTCK toàn cầu đều giảm điểm, trong đó khu vực châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các thị trường phát triển giảm khoảng 2%, Trung Quốc giảm hơn 12% trong 5 phiên giao dịch gần nhất, mức giảm lớn nhất kể từ bong bóng khủng hoảng 2015.
So với các quốc gia khác, Việt Nam đang có mức giảm lớn hơn hẳn so với trung bình khu vực. Hiện VN Index đang giao dịch tại mức P/E thấp nhất trong 5 năm qua.
Đầu năm 2020, nhiều chuyên gia, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán (CTCK) và các định chế tài chính đã nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi sắc, tăng trưởng tốt và TTCK có khả năng hồi phục về quanh mốc 1.100 điểm.
Thế nhưng, năm Âm lịch Canh Tý 2020 mới bắt đầu, TTCK đã diễn ra không được suôn sẻ khi mất gần 100 điểm trong 3 phiên giao dịch đầu xuân. Với tình hình mới, triển vọng tăng trưởng GDP bị đe dọa, các ngành hàng không, dầu khí, dịch vụ tài chính có nguy cơ ảnh hưởng nặng, việc đầu tư không chỉ vào cổ phiếu, trái phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Năm 2019 chỉ số VN Index ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 8%, nhưng nhiều nhà đầu tư, cá nhân và tổ chức vẫn khá thất vọng với hiệu suất sinh lời. Trong khi 2020 có thể là năm khó khăn hơn nữa, khi nguy cơ lây nhiễm dịch cúm virus corona đang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam.
Dự báo nhiều ngành nghề sẽ ảnh hưởng tiêu cực như hàng không, tiêu dùng, dịch vụ, du lịch, dầu khí… Nhưng cũng có những ngành có diễn biến tích cực hơn như dược phẩm, y tế, ngân hàng, công nghệ và viễn thông. 

Dịch lây lan nhưng trong tầm kiểm soát
 Thị trường xuống rồi lại lên. Kiên nhẫn vẫn là đức tính cần có đối với sự thành công của nhà đầu tư thời virus “thiên nga đen”.
Những nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn virus nCoV leo thang khi Philippines báo cáo cái chết đầu tiên bên ngoài Trung Quốc, trong khi Mỹ xác nhận nhiều ca nhiễm bệnh hơn. Các hãng hàng không ở châu Á, châu Âu và Trung Đông đã ngừng dịch vụ bay đến Trung Quốc, trong khi Mỹ bắt đầu hạn chế khách du lịch từ Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng liên đới.
2/3 nền kinh tế Trung Quốc bị đình trệ do ảnh hưởng virus nCoV, kéo theo chuỗi sản xuất toàn cầu đang bị ảnh hưởng. Sản lượng xe sản xuất tại Trung Quốc giảm 1,7 triệu xe, giảm 3,2%. Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc giảm 3 triệu thùng trong tuần xảy ra dịch, xấp xỉ 3% nhu cầu dầu toàn thế giới. Giá dầu giảm mạnh gần 15% trong vòng 1 tuần qua. 
Theo số liệu PMI của HIS Markit và mô hình kinh tế Nigem để đánh giá tác động, với giả định virus nCoV sẽ tác động mạnh mẽ, nhưng trong thời gian ngắn (dưới 1 năm). Theo đó, các nền kinh tế mở như Hồng Kông và Singapore bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tiếp đến là các nền kinh tế thâm dụng hàng hóa như Australia và các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Hàn Quốc. Ấn Độ là quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất trong khu vực, do ít được tích hợp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với Việt Nam, dù dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng cũng như các nạn dịch trong quá khứ như SARS (2003), H1N1 (2009)…, dịch nCoV đã và đang được kiểm soát tốt. Số lượng lây nhiễm và thương vong về con người rất hạn chế. Chính phủ và các bộ ban ngành đã đưa ra các động thái phòng chống quyết liệt. Sự nỗ lực này cho thấy dịch nCoV lây lan nhưng đang trong tầm kiểm soát của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. 

Chiến lược đầu tư trong hoàn cảnh mới
Các biến cố dịch bệnh, chiến tranh ảnh hưởng tâm lý thị trường, tâm lý nhà đầu tư rất lớn, có thể coi là nguồn cơn khiến thị trường khó dự báo. Những biến động lớn của TTCK trong ngắn hạn sẽ khiến nhà đầu tư trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thậm chí khiến họ phản ứng thái quá, gây bán tháo cổ phiếu. Có thể nói, kẻ thù của nhà đầu tư chính là chính họ, chính cảm xúc bốc đồng khiến họ phải trả giá. 
Vì vậy, đối với nỗi lo dịch bệnh gia tăng cũng như những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế và TTCK, nhà đầu tư phải có những động thái phản ứng khác với đám đông, vẫn phải tuân theo những tiêu chí, kỷ luật khi tham gia thị trường tài chính. Hoạt động đầu tư cổ phiếu nên tuân thủ các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thường.
Những tiêu chuẩn định giá tài sản, xác định giá trị sổ sách, chất lượng tài sản vẫn được đánh giá cao. Tất nhiên, chỉ những nhóm ngành nghề nào thu hút dòng tiền đầu tư hơn. Thời điểm mua bán cũng là một trong những yếu tố quan trọng. 
Phân tích cụ thể hơn, nếu đại đa số 2.000 cổ phiếu đang niêm yết trên 3 sàn HSX, HNX, Upcom không có diễn biến tích cực, chỉ cần 20 cổ phiếu đi ngược thị trường cũng có thể khiến danh mục đầu tư có kết quả khả quan. Tất nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng phản ứng và đưa ra các quyết định đầu tư giống nhau. Có nhà đầu tư hành động hợp lý, có nhà đầu tư hành động phi lý hoặc không dám tham gia thị trường. 
Ngoài ra, cũng có nhà đầu tư có khả năng đầu tư cổ phiếu tốt hơn nhà đầu tư khác, hay nói cách khác có kỹ năng và kinh nghiệm hơn sẽ hành động khác trong giai đoạn hiện nay. Dù sao nếu nhà đầu tư hành động thận trọng, sáng suốt tránh bị tâm lý, cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, trong khi vẫn kỷ luật lựa chọn ra các cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu bị bán tháo, cổ phiếu bị định giá thấp. 

Các tin khác