USD có nguy cơ mất vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế?

(ĐTTCO) - Đồng USD thống trị thế giới tài chính trong gần 8 thập niên kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Hiện nay, một cuộc chiến khác đang tạo tiền đề cho nhiều quốc gia khám phá khả năng giảm thiểu đồng USD trong thương mại, đặt ra câu hỏi về vị thế của đồng tiền này trong tương lai.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Động cơ thúc đẩy thay thế đồng USD

Xung đột Nga - Ukraina tháng 2-2022 dẫn tới làn sóng trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu được triển khai với Nga. Hai quyết định mạnh nhất trong làn sóng này là đóng băng gần một nửa (300 tỉ USD) dự trữ ngoại tệ của Nga và loại các ngân hàng lớn của Nga khỏi SWIFT - hệ thống nhắn tin liên ngân hàng hỗ trợ thanh toán quốc tế.

Những biện pháp trừng phạt này, được một số người gọi là “vũ khí hóa” của đồng USD, khiến Nga và Trung Quốc thúc đẩy cơ sở hạ tầng tài chính thay thế.

Tuy nhiên, không chỉ Bắc Kinh và Mátxcơva đang thúc đẩy điều này. Từ Ấn Độ đến Argentina, Brazil đến Nam Phi và Trung Đông đến Đông Nam Á, các quốc gia và khu vực trong những tháng gần đây đã thúc đẩy nỗ lực hướng tới các thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Theo các nhà kinh tế học chính trị và chuyên gia về trừng phạt, tâm điểm của các sáng kiến phi đô la hóa này là bởi lo ngại ngày nào đó Mỹ có thể sử dụng sức mạnh của tiền tệ nước này sở hữu để nhắm mục tiêu vào các nước theo cách đã sử dụng để trừng phạt Nga.

Alicia García Herrero, thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Bruegel có trụ sở tại Brussels, chia sẻ: “Rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thế giới đa phương hơn, thể hiện qua tỷ trọng dự trữ ngoại hối của đồng USD giảm”.

Xu thế mua thêm vàng

Giá vàng sẽ chạm ngưỡng 2.400USD/ounce trong vòng 5 năm tới khi chính phủ nhiều nước như Nga cố gắng đa dạng hóa tài sản khỏi đồng USD. Đây là quan điểm của ông Pierre Lassonde, Chủ tịch tổ chức Emeritus of Franco-Nevada kiêm CEO quỹ Fireside Investments. Ông Lassonde nói rằng một hệ thống tiền tệ kép sẽ có thể hình thành vào năm 2028.

“Tôi nghĩ rằng trong vòng 5 năm tới, bạn sẽ chứng kiến hệ thống thanh toán và tiền tệ kép. Nguyên nhân ban đầu gây ra điều này chính là căng thẳng Nga - Ukraine. Đối với tôi, trong vòng 5 năm tới, bạn sẽ chứng kiến giá vàng tăng lên ngưỡng 2.300-2.400USD bởi yếu tố đó” - ông Lassonde nói.

Cũng theo ông Lassonde, hiện đang diễn ra xu thế các NHTW trên thế giới mua thêm vàng bởi căng thẳng địa chính trị đang leo thang trên khắp toàn cầu.

Trong năm 2022, các NHTW mua nhiều vàng nhất tính từ năm 1950, tổng số vàng được mua thêm ước tính 1.136 tấn. Hoạt động mua vàng như vậy diễn ra mạnh mẽ sau 12 năm liên tiếp các NHTW mua ròng vàng

Ông Lassonde nhấn mạnh rằng các NHTW, đặc biệt trong nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang mua vào vàng như một lựa chọn thay thế cho đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ.

“Nhóm NHTW này đang mua vàng như một loại tiền dự trữ. Liệu họ có sử dụng vàng để bảo đảm cho loại tiền mới hay không? Chúng tôi không chắc. Nhưng cái tôi tin chính là cuối cùng, sẽ có một hệ thống thanh toán kép và điều này tốt cho đồng USD” - ông Lassonde nói.

“Không chỉ Trung Quốc mà cả Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác trên thế giới hiện cũng đang trong quá trình tạo ra hệ thống thanh toán kép nhằm đương đầu với ảnh hưởng từ đồng USD” - ông Lassonde nhấn mạnh.

USD khó mất ngôi vương trong tương lai gần

Năm 1944, đại diện của 44 quốc gia đã gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, Mỹ để tìm cách hàn gắn nền kinh tế sau chiến tranh. Các bên nhất trí rằng, Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ cố định giá trị của đồng USD với vàng và các quốc gia khác sẽ lần lượt chốt đồng tiền của họ với đồng USD. Các quốc gia hiện phải dự trữ USD để duy trì tỷ giá hối đoái khiến USD thành đồng tiền thống trị toàn cầu.

Chế độ Bretton Woods sụp đổ vào những năm 1970 khi Mỹ không còn đủ vàng để hỗ trợ cho đồng USD. Tuy nhiên, thời điểm đó, đồng USD đã được củng cố sâu sắc vị trí là đồng tiền dự trữ ở các quốc gia khác.

Thị trường tài chính sâu rộng và linh hoạt của Mỹ, với các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp tương đối minh bạch và sự ổn định của USD đảm bảo đồng tiền này vẫn chiếm ưu thế dù các quốc gia không còn bắt buộc phải định giá tiền tệ theo USD.

Trao đổi về phi đô la hoá không phải là điều mới. Câu hỏi về sự thống trị của đồng USD từng được đề cập khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ, khi Liên minh châu Âu tung ra đồng Euro năm 1999 và sau đó một lần nữa ở cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Đồng USD đã vượt qua những cơn bão đó và duy trì vị thế thống trị. Hiện nay, gần 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì bằng USD.

Vì thế, sự thống trị của đồng USD khó có thể thay đổi trong tương lai gần và đây vẫn là đồng tiền chính trong thương mại và giao dịch quốc tế, các nhà phân tích chia sẻ với Al Jazeera. Không có loại tiền tệ nào khác có thể thay thế USD nhưng sức ảnh hưởng của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu có thể suy yếu nếu nhiều quốc gia bắt đầu giao dịch bằng các loại tiền tệ khác và giảm mức độ tiếp xúc với đồng USD.

Các tin khác