Quyết định hạ lãi suất lần này được đưa ra khá khẩn cấp, trước cả phiên họp chính sách định kỳ của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 17 và 18-3. Điều này cho thấy Fed phải khẩn trương hành động để ngăn khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Thực ra Fed thông báo cắt giảm mạnh lãi suất để đối phó khẩn cấp nhưng cũng nằm trong dự đoán. Lý do đầu tiên là trước nay Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn muốn đồng USD rẻ hơn. Bởi cắt giảm lãi suất làm suy yếu đồng USD giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đạt được những mức kỷ lục hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế, từ đó ông Trump sẽ có nhiều lợi thế để tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2020.
Tuy nhiên, hiện với 90% thanh toán thương mại quốc tế sử dụng đồng USD, nhà đầu tư bán tháo tài sản ở các kênh đầu tư mạo hiểm sẽ rút USD về. Theo đó, giá trị của đồng USD càng tăng, chỉ trong tháng 1 đã tăng từ 95,8 điểm lên 97,6 điểm. Diễn biến đồng USD tăng giá, trong khi TTCK ảm đạm kéo dài suốt tháng 2.
Đỉnh điểm vào cuối tháng 2-2020, khi TTCK thế giới bốc hơi gần 6.000 tỷ USD, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố Fed sẽ hành động phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, động thái hạ lãi suất khẩn cấp của Fed có vẻ chưa làm giảm bớt mối lo của giới đầu tư về tác động của dịch Covid-19.
Như vậy, giảm lãi suất cơ bản của Fed chưa chữa đúng bệnh, nhất là trong bối cảnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều (ở Nhật Bản và châu Âu lãi suất cơ bản âm). Thậm chí, động thái giảm mạnh lãi suất này chứng tỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước. Vì vậy thị trường có phản ứng trái chiều.
Năm 2019, đồng USD có nhiều biến động nhưng tỷ giá USD/VNĐ khá ổn định. Tính chung cả năm, tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 1,5%. Trong tháng 1-2020, tỷ giá USD/VNĐ gần như đi ngang, nguồn cung ngoại tệ dồi dào và NHNN liên tục mua vào ngoại tệ trong những tuần trước tết.
Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính đã chuyển sang trạng thái thâm hụt (âm 176 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm, thay vì mức xuất siêu liên tục trong năm 2019. Việc Fed điều chỉnh giảm lãi suất USD phần nào giảm bớt áp lực cho NHNN trong việc điều hành tỷ giá cũng như duy trì chính sách tỷ giá ổn định đã đề ra.
Trong báo cáo “Fed hạ lãi suất khẩn cấp - liệu đã đúng bệnh và hàm ý đối với Việt Nam?” mới công bố, nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho biết quốc hội Mỹ đã đưa ra gói hỗ trợ khoảng 8,3 tỷ USD để giúp phòng chống dịch Covid-19. Bộ Tài chính Mỹ cũng dự tính đẩy mạnh đầu tư công (nhất là cơ sở hạ tầng) và nới lỏng quy định đối với NH để có thể cho vay nhiều hơn.
Tổng thống Trump cũng kêu gọi giảm phí bảo hiểm xã hội trong 1 năm… Qua đó có thể thấy sau khi hạ lãi suất Mỹ vẫn cần những hỗ trợ tài khóa để đạt được mục tiêu cứu nền kinh tế.
Nhìn trở lại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất nhiệm vụ ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Bởi làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, phải kết hợp hài hòa cả 2 nhóm chính sách này để hiệu quả hỗ trợ tốt hơn.