PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, từ góc độ một người dân, trong những ngày dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng, ông có cảm giác như thế nào?
TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG: - Đúng là cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh của nước ta đã bước sang một giai đoạn mới, khắc nghiệt và khó khăn hơn. Nhưng tôi cho rằng Chính phủ vẫn đang làm khá tốt những việc cần làm. Tôi cũng như mọi người dân, đang cố gắng tuân thủ đúng khuyến nghị của nhà chức trách.
Tôi không có chuyên môn về y tế, nhưng thấy rằng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Bộ Y tế đã thường xuyên đánh giá tình hình và đưa ra những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, ví dụ như về diện cách ly, hình thức cách ly chẳng hạn. Bộ Y tế hôm 11-3 vừa đưa ra hướng dẫn mới, tôi rất ủng hộ.
Ở thời điểm này tôi cho rằng nên chú trọng hơn đến giải pháp cách ly tại nơi cư trú. Tôi biết có một số ít người cảm thấy việc cách ly là bị bó buộc và họ chưa thật sự tuân thủ, nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng chúng ta phải chấp nhận một số hạn chế tự do về đi lại, sinh hoạt.
- Xin hỏi ông một câu hơi tế nhị, nhưng cũng có liên quan chặt chẽ đến nguồn lực quốc gia. Đó là về chi phí điều trị, cách ly cho những bệnh nhân và những ca nghi nhiễm Covid-19. Có băn khoăn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, liệu chúng ta có nên áp dụng một cơ chế đồng chi trả nào đó; ít nhất là đối với những ca bệnh là người nước ngoài?
- Theo tôi biết, những bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19 được khám và điều trị miễn phí là thực hiện đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Luật quy định “Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí”, và theo quyết định của Thủ tướng dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Như vậy trừ khi Quốc hội sửa luật, hoặc Covid-19 được đưa ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, thì hiện nay phải khám và điều trị miễn phí, kể cả với người Việt Nam hay người nước ngoài là đúng luật, tạo sự yên tâm cho người bệnh và cả cộng đồng.
Thế nhưng có một thực tế là vừa qua có những người nước ngoài nhập cảnh vì lý do cá nhân, họ chưa từng đóng thuế hay đóng góp gì cho Việt Nam, trong khi chi phí thăm khám, điều trị, cách ly… cho họ và những người có liên quan khác khá lớn. Con số này dự báo vẫn có thể tiếp tục gia tăng, trong khi đó nguồn lực của chúng ta có hạn. Vì thế, theo tôi những người có điều kiện, kể cả trong nước và nước ngoài, nên góp phần ủng hộ phòng chống dịch.
Singapore là một nước giàu, chỉ miễn phí xét nghiệm và điều trị cho người dân nước mình, còn người nước ngoài bị bệnh phải tự thanh toán mọi chi phí điều trị. Chính phủ Mỹ thì thỏa thuận để các công ty bảo hiểm y tế trả 100% tiền xét nghiệm và điều trị những người nhiễm Covid-19.
- Mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế xã hội, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng là không nhỏ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số chỉ thị nhằm giảm thiểu tác hại của dịch bệnh. Ông nhận xét gì về những giải pháp đã được ban hành và có khuyến nghị gì thêm?
- Theo tinh thần các chỉ thị của Thủ tướng ưu tiên số 1 ở thời điểm này vẫn là phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều giải pháp tạo lưới đỡ cho nền kinh tế cũng đã được ban hành. Như việc nhiều ngân hàng thương mại đã cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hoãn, giãn trả nợ, ghìm lãi suất cho vay.
Đây là động thái hỗ trợ lẫn nhau trong thời buổi có khăn, bởi doanh nghiệp có trụ vững thì ngân hàng mới thu được nợ. Bên cạnh đó, theo chỗ tôi biết, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định về hoãn, giãn nộp thuế, nộp tiền thuê đất nhằm giảm bớt sự căng thẳng về dòng tiền và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng. Hy vọng là Nghị định này sớm được ban hành.
Tôi nghĩ các biện pháp chính sách đã được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ cả hai phía cung và cầu của nền kinh tế, nhưng trọng tâm ban đầu nên tập trung vào phía cung (là các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất). Đơn giản là vì trong bối cảnh việc dịch chuyển của người dân và lưu thông hàng hóa còn bị hạn chế thì dù có kích cầu cũng sẽ không hiệu quả. Các biện pháp kích cầu sẽ phát huy tác dụng khi dịch lắng xuống, sản xuất kinh doanh và nhịp sống trở lại bình thường.
Để hỗ trợ nền kinh tế cần có những bước đi phù hợp, đầu tiên là hỗ trợ các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bằng cách kết hợp giảm thuế hoặc gia hạn thời gian đóng thuế, hỗ trợ tín dụng và các biện pháp an sinh xã hội. Sau đó mới là triển khai một số giải pháp kích cầu, trong đó đặc biệt chú ý đến việc nâng cao hiệu quả của các dự án, chương trình đầu tư công.
Thái độ và cả cách thức làm việc của các Bộ, ngành và từng cán bộ trong bộ máy phải thay đổi theo phương châm chủ động đi tìm các nút thắt, tìm cách gỡ; các cán bộ thừa hành tích cực giải quyết công việc thay vì ngồi đợi “đúng quy trình”. Cuối cùng, bước thứ ba sẽ là tập trung vào các cải cách cơ cấu để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương trước những cú sốc tương tự.
- Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động, hoặc cho lao động nghỉ việc luân phiên, đời sống của người lao động hết sức khó khăn. Theo ông, có giải pháp nào nhanh chóng và thiết thực hỗ trợ được họ?
- Một trong những việc có thể làm ngay là miễn bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp trong thời gian buộc phải dừng kinh doanh, tạo điều kiện cho họ hoạt động trở lại được ngay khi có điều kiện.
Có lẽ tại kỳ họp tới, Quốc hội nên ban hành nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Những giải pháp hỗ trợ kinh tế cần tiếp tục ngay cả khi hết dịch.
- Xin cảm ơn ông.