Vaccine Covid-19 thành bệ phóng cho dược phẩm Trung Quốc phủ sóng toàn cầu

(ĐTTCO) - Trước đại dịch Covid-19, các loại vaccine Trung Quốc chủ yếu được sử dụng nội địa, nhưng giờ đây vaccine của nước này đang nhắm tới nhiều quốc gia trên thế giới...

Một nhân viên công ty Walvax đang cầm vaccine Covid-19 của công ty - Ảnh: Getty Images
Một nhân viên công ty Walvax đang cầm vaccine Covid-19 của công ty - Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, đại dịch Covid-19 đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới, chủ yếu xuất sang các quốc gia không đủ điều kiện mua vaccine của Mỹ và châu Âu.

Giờ đây, quốc gia này đang tận dụng đòn bẩy từ vaccine Covid-19 để thúc đẩy mạnh mẽ việc xuất khẩu vaccine ngừa các bệnh khác như viêm phổi, viêm não Nhật Bản. Các doanh nghiệp sản xuất vaccine Trung Quốc đang cạnh tranh với những hãng dược khổng lồ trên thế giới như Pfizer Inc. và Merck & Co.

BỆ PHÓNG TỪ VACCINE COVID-19

Dù nhiều nghiên cứu cho thấy các loại vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc kém hiệu quả hơn vaccine phương Tây và nhiều hoài nghi về sự minh bạch cũng như tiêu chuẩn dữ liệu của nhà sản xuất vaccine nước này, các quốc gia đang phát triển không có nhiều lựa chọn và trở nên phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, việc này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của ngành dược Trung Quốc và giúp các nước thu nhập thấp tiếp cận với loại vaccine có thể cứu sống nhiều người. Và việc này cũng giúp chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường quyền lực mềm trên toàn cầu.

Tiêm vaccine Covid-19 tại Indonesia - Ảnh: Getty Images
Tiêm vaccine Covid-19 tại Indonesia - Ảnh: Getty Images

Tại Serbia, Tổng thống Aleksandar Vucic cho biết nước này có thể sẽ xây tượng của ông Tập Cận Bình và đặt tại thủ đô Belgrade để vinh danh sau khi Trung Quốc cung cấp cho Serbia hơn 4 triệu liều vaccine Covid-19 cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp thép địa phương.

Tập đoàn dược phẩm quốc doanh Sinopharm của Trung Quốc hiện là đối tác tại một nhà máy khổng lồ gần Belgrade. Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết nhà máy này có thể sản xuất vaccine ngừa nhiều bệnh khác, không chỉ tại Serbia mà còn để xuất khẩu.

Còn tại Morocco, công ty Walvax Biotechnology Co. của Trung Quốc hiện đang bán vaccine ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đang bán vaccine ngừa các bệnh từ cúm cho tới viêm gan tại Indonesia, Ai Cập… nhờ thành công từ việc xuất khẩu vaccine Covid-19.

“Trong lịch sử, Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu vaccine. Vì vậy, đây là một trong những điều mà đại dịch đã thay đổi thế giới. Đại dịch đã giúp Trung Quốc trở thành một nhà cung cấp vaccine toàn cầu theo cách mà họ chưa từng làm được trước đây. Nhưng tôi hoài nghi vị thế này có thể tồn tại lâu”, Thomas Bollyky, Giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại tổ chức Council on Foreign Relations, có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận định.

THAM VỌNG CỦA DOANH NGHIỆP DƯỢC TRUNG QUỐC

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy ngành công nghiệp dược có thể tận dụng cơ hội nhanh thế nào. Nước này đã xuất khẩu hơn 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 ra thế giới. Hãng dược sinh học Sinovac Biotech Ltd. của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vaccine số 1 thế giới với tổng số liều vaccine cung cấp tại cả Trung Quốc và nước ngoài là 1,9 tỷ liều, vượt qua con số 1,5 tỷ liều của hãng dược Pfizer tính tới cuối tháng 9.

Điều đó có thể thấy rõ tại Walvax, công ty ra đời năm 2001 tại thành phố Côn Minh, phía Tây Nam Trung Quốc. Khởi đầu với số vốn ít ỏi, thậm chí phải vai nặng lãi để trả lương nhân viên, công ty này đã tham gia chương trình làm chủ công nghệ vaccine do Chính phủ Trung Quốc tài trợ. Hiện tại, Walvax có vốn hóa 13,5 tỷ USD và bán vaccine ngừa viêm màng não, viêm phổi và các bệnh khác tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới.

Vài năm trước, Phó Chủ tịch của Walvax, Huang Zhen, bắt đầu tham vọng thách thức vị trí dẫn đầu của Pfizer trong lĩnh vực sản xuất vaccine phế cầu ngừa viêm phổi ở trẻ em – vaccine mang về cho công y Mỹ doanh thu 5,8 tỷ USD mỗi năm. Để thuyết phục hội đồng quản trị công ty thực hiện tham vọng này, ông Huang cam kết sẽ bán toàn bộ cổ phiếu của mình tại Walvax và trả cho chi phí 75 triệu Nhân dân tệ (khoảng 11,7 triệu USD) nếu vaccine không thành công.

Năm 2020, Valvax ra mắt loại vaccine cạnh tranh vaccine viêm phổi Prevnar 13 của Pfizer tại Trung Quốc với mức giá rẻ hơn 15%. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, từ đó đến nay, Pfizer đã mất hơn 40% thị phần vaccine viêm phổi. Ông Huang dự báo vaccine viêm phổi của Walvax cũng sẽ đạt được thành công tương tự tại các quốc gia đang phát triển, nơi vaccine của công ty là một lựa chọn dành cho những người không đủ điều kiện mua vaccine Prevnar 13 của Pfizer.

“Trong 5-10 năm tới, một số công ty Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ nặng ký trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đang thực sự cho thấy tiềm năng của các nhà sản xuất vaccine Trung Quốc”, ông Huang nhận định.

Trong khi đó, Merck cũng phải đối mặt mối đe dọa với vaccine Gardasil – loại vaccine “bom tấn” ngừa ung thư cổ tử cung của mình. Năm ngoái, Xiamen Innovax Biotech Co. của Trung Quốc đã bắt đầu phân phối loại vaccine tương tự tại Trung Quốc. Tháng 10 năm nay, vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép, mở đường tiến sang các quốc gia đang phát triển.

Ông Wendy Huang, Giám đốc phát triển kinh doanh của Innovax cho biết công ty đã ký hợp đồng cung cấp vaccine này tại Thái Lan.

“Về chất lượng, tôi tự tin rằng vaccine của chúng tôi không tệ chút nào. Cần có thời gian để các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các thị trường trên thế giới”, ông Huang chia sẻ.

Với Sinovac, ngoài vaccine Covid-19, công ty này đang xây dựng một danh mục gồm nhiều loại vaccine, trong đó có vaccine ngừa thủy đậu và bại liệt đang được WHO xem xét. Còn Sinopharm hiện đã bán vaccine viêm não Nhật Bản tại Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á.

QUAN NGẠI VỀ SỰ THIẾU MINH BẠCH

Để gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu với các loại vaccine ngoài vaccine Covid-19, các công ty Trung Quốc thường bán với giá rẻ hơn vaccine của phương Tây và và thường đăng ký xin cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp với WHO – một sự bảo chứng được công nhận rộng rãi về sự an toàn và hiệu quả cho chính phủ tại các quốc gia đang phát triển. Việc được WHO cấp phép cũng giúp các loại vaccine Trung Quốc đủ điều kiện để bán cho các tổ chức quốc tế như Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Sinovac là nhà cung cấp vaccine nhiều nhất thế giới - Ảnh: Getty Images
Sinovac là nhà cung cấp vaccine nhiều nhất thế giới - Ảnh: Getty Images

Theo ông Bollyky của tổ chức tổ chức Council on Foreign Relations, hiện tại, vaccine Trung Quốc chủ yếu được bán tại các nước đang phát triển, đồng nghĩa với việc các hãng dược của nước này chủ yếu cạnh tranh với các nhà sản xuất vaccine giá rẻ của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các loại vaccine Trung Quốc bởi các hãng dược và cơ quan chức năng y tế của nước này không công khai nhiều thông tin chi tiết về tính an toàn của vaccine.

“Một trong những điều khiến nhiều người lo lắng là sự thiếu minh bạch xung quanh việc sản xuất, tính an toàn và hiệu quả (của vaccine Trung Quốc)”, giám sư y tế quốc tế Anna Durbin tại trường Y tế cộng đồng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết.

Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy vaccine của Trung Quốc an toàn để sử dụng và Sinovac cũng liên tục nhấn mạnh rằng vaccine Covid-19 của hãng giúp giảm 80% nguy cơ nhập viện và tử vong. Nhiều công ty Trung Quốc cho biết đại dịch Covid-19 đã mang lại cho họ bài học về việc quản trị các cuộc thử nghiệm lâm sàng quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học.

“Chúng tôi đang học hỏi từ Pfizer, Moderna, để làm mọi thứ một cách nghiêm ngặt, tuân thủ cùng tiêu chuẩn với họ”, ông Huang của Walvax cho biết. s Huang.

Đại dịch cũng cho thấy vaccine là “thần dược” với các nước nghèo, kể cả khi đó không phải là những loại vaccine hiệu quả cao nhất. Các công ty Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 cho COVAX – cơ chế tiếp cận vaccine cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, trong bối cảnh Ấn Độ hạn chế xuất khẩu.

“Nếu châu Phi trở nên khỏe mạnh và thịnh vượng hơn nhờ Trung Quốc, việc này sẽ mở đường cho Trung Quốc vào châu lục này”, nhà nghiên cứu Barbara Nattabi tại trung tâm nghiên cứu châu phi tại Đại học Tây Australia, nhận định.

Các tin khác