Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tổng hợp báo cáo thực thi các FTA của các địa phương năm 2021 cho thấy, đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hiện có khoảng 38/63 tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU và khoảng trên dưới 50% tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP.
Theo VCCI, hoạt động đẩy mạnh hỗ trợ DN xuất, nhập khẩu của nhiều tỉnh, thành hiện nay còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay EVFTA. Có những địa phương dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng tỷ trọng các thị trường quan trọng trong CPTPP như Canada hay các nước EU còn tương đối khiêm tốn.
“Mặc dù nhận thức về công tác hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực thi FTA nói riêng của một số cơ quan, địa phương đã được cải thiện, nhưng công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế. Cần có những chuyển biến của các địa phương trong cách thức, tiếp cận và các giải pháp hỗ trợ DN nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng các FTA trong thời gian tới”, VCCI đánh giá.
Đánh giá về kết quả khảo sát này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới, việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA của các địa phương ngày càng tích cực hơn. Tuy nhiên, các địa phương chưa đi sâu vào hỗ trợ cụ thể những ngành nghề, DN cần tận dụng trong FTA. Trong khi đó, việc kết nối, hỗ trợ các DN tại địa phương hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa.
“Mặc dù các tỉnh, thành đều có các biện pháp hỗ trợ DN tiếp cận và tận dụng cơ hội từ các FTA, nhưng các hỗ trợ đó vẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành, các DN, chưa đi sâu cụ thể vào những ngành nghề của địa phương nói riêng, ngành sản xuất nói chung cần tận dụng FTA. Những ngành nghề cần tận dụng thực sự phải là mặt hàng chiến lược, lĩnh vực chiến lược để DN có thể dựa vào đó để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hoặc tăng tỷ lệ tận dụng”, ông Khanh chỉ rõ.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, VCCI chỉ ra, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA, vấn đề tiếp cận thị trường luôn là một trong những mong mỏi rất lớn của các DN. “Tuy nhiên thực tế vẫn còn sự cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của DN đối với những khả năng đáp ứng từ phía các cơ quan nhà nước và các địa phương”, ông Thạch chỉ ra.
Là địa phương có nhiều DN tham gia sản xuất và xuất khẩu, từ đó có nhu cầu rất lớn trong tìm kiếm thị trường trong bối cảnh các FTA đang rộng mở, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận thấy, số lượng DN Hà Nội có giao dịch xuất khẩu với các nước đã ký kết các FTA còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng của các DN, đặc biệt là các DN có được các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định, khiến DN giao dịch xuất khẩu với các nước trong các hiệp định chưa tương xứng.
Do đó, thời gian tới để làm tốt công tác hỗ trợ DN trên địa bàn tiếp cận sâu và rộng hơn nữa với các FTA, theo bà Oanh, Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và đồng hành với các DN. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu vào các thị trường FTA.
“Sở Công Thương sẽ tổ chức các hội nghị kết nối DN công nghiệp chủ lực của thành phố với các tỉnh và với các nước; kết nối DN sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư. Cùng với đó đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về thị trường, các kỹ năng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu vào các thị trường FTA”, bà Oanh cho biết.
Theo gợi ý từ phía ông Ngô Chung Khanh, trong bối cảnh nguồn lực các địa phương có hạn, không thể làm cho tất cả các DN, tất cả các sản phẩm tiếp cận thị trường các FTA, cho nên cần phải dồn nguồn lực nhất định, tập trung cho 1-2 mặt hàng chiến lược của mỗi tỉnh, thành.
Đặc biệt, thực hiện tư duy theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thời gian qua đã mang lại những hiệu quả rất lớn cho các địa phương, nên chăng cần hướng đến công cụ chỉ số FTA Index làm mục tiêu, giúp cho các tỉnh thành thay đổi tư duy, thay đổi cách làm từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận và tận dụng tối ưu các FTA.
“Nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA, đều quan tâm, trăn trở việc làm thế nào để giúp cho các DN tận dụng hơn nữa các FTA thì FTA Index sẽ là 1 công cụ giúp cho các tỉnh, thành tận dụng hiệu quả các FTA cũng như đã từng đạt được kết quả từ việc thực hiện chỉ số PCI”, ông Khanh đề xuất.