“Chưa đạo luật nào quan trọng, liên quan thiết thực đến người dân như đạo luật này. Chưa có đạo luật nào được làm thận trọng tới mức 3 kỳ họp Quốc hội vẫn chưa thông qua…”. Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét trong phiên họp cuối tuần trước.
Tại phiên họp này, vấn đề thu hồi đất lại tiếp tục trở thành nỗi băn khoăn được nhiều ủy viên UBTVQH dành thời gian thảo luận, nhất là sau những vụ việc nổi cộm gần đây.
Còn nhớ, dự luật quan trọng trên dù đã được đặt nhiều quyết tâm nhưng vẫn chưa thể thông qua tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 6-2013) theo đúng nghị trình. Lý do là dù chỉnh sửa khá nhiều lần nhưng dự luật vẫn chưa đạt được sự thống nhất cao trong một số vấn đề như thu hồi đất hay định giá đất.
Bản báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi) được trình trong phiên họp UBTVQH tuần trước gồm 41 trang, dự thảo luật dài 213 trang, kèm theo 4 nghị định cụ thể hóa một số điều cho thấy đạo luật này đã và đang được chuẩn bị công phu, chu đáo, hy vọng tạo ra chuyển biến mới, khai thông nhiều vướng mắc, nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định thu hồi đất. Một số ý kiến trong UBTVQH còn lo ngại và cho rằng quy định về thu hồi đất cần được làm rõ hơn, tránh tình trạng lẫn lộn, thu hồi đất tràn lan, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích Nhà nước.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên quy định về thu hồi đất gây tranh cãi khi Luật Đất đai được sửa đổi. Trong đó, vấn đề nổi lên là có nên quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế-xã hội hay không? Bởi những bức xúc trong xã hội thời gian qua chủ yếu phát sinh từ bất cập trong thu hồi đất phục vụ cho các dự án kinh tế - xã hội và cơ chế định giá đất chưa sát với thực tế.
Khi đất nông nghiệp thuộc diện đất thu hồi bắt buộc, người dân chỉ được hưởng bồi thường trên cơ sở giá trị đất nông nghiệp do Nhà nước quyết định. Đồng thời, quy trình thu hồi đất không chỉ thiếu công bằng mà còn không hiệu quả, do quy trình thu hồi đã dẫn đến những diện tích đất rộng lớn được giải phóng mặt bằng cho các dự án đã không đi vào thực hiện và bỏ hoang.
Trong khi đó, lợi nhuận có được từ việc chuyển đổi đất thì các nhà phát triển và những người liên quan được hưởng. Điều này đã làm chậm quá trình giảm nghèo ở nông thôn và gia tăng sự bất hài hòa xã hội. Đền bù và giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư ngày càng gây ra bất đồng khi gặp phải sự chống đối và biểu tình của người dân.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong hơn 3 năm qua đã nhận được tới 700.000 khiếu kiện và tố cáo về vấn đề đất đai, trong đó 70% liên quan đến các quyết định thu hồi và đền bù đất.
Khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra xin ý kiến rộng rãi, đã có nhiều ý kiến cho rằng Luật Đất đai hiện hành quy định quyền hạn thu hồi đất của Nhà nước quá rộng lớn, không chỉ áp dụng khi đất bỏ hoang hoặc không sử dụng đúng mục đích, nhưng nói chung là bất cứ lúc nào khi “Nhà nước cần sử dụng đất phục vụ các mục đích quốc phòng và an ninh, các lợi ích quốc gia, các lợi ích công hoặc phát triển kinh tế”.
Điều đó đã vượt ra ngoài phạm vi của Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, theo đó chỉ cho phép thu hồi đất “khi cần thiết vì các lý do an ninh và quốc phòng và phục vụ lợi ích quốc gia”. Bởi vậy, từ góc độ chính sách, không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc phục vụ các mục đích kinh tế.
Luật Đất đai (sửa đổi) nên được xem xét theo hướng thu hồi đất chỉ giới hạn ở các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích công. Việc thu hồi đất cho các dự án đầu tư kinh tế, kể cả sử dụng cho mục đích công nghiệp và dân cư, cần được tiến hành thông qua thương lượng và thỏa thuận không bắt buộc của người sử dụng đất.
Vì những lý do tương tự, quỹ đất chỉ sử dụng cho các mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích công. Mặt khác, quy trình thu hồi đất nên tuân theo các thủ tục minh bạch, bao gồm việc thông báo công khai kế hoạch thu hồi, cơ hội để đưa ra các ý kiến phản hồi.
Đi liền với đó, đền bù đất bị thu hồi cần phản ánh được tổn thất về sinh kế và các chi phí tái định cư, cũng như giá trị thị trường của đất bị thu hồi. Giá trị thị trường sẽ được xác định bằng cách sử dụng từ các cơ quan chuyên môn độc lập và khách quan, do các bên thỏa thuận lựa chọn.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cuối tháng này UBTVQH sẽ tiếp tục tổ chức một hội nghị chuyên trách để làm rõ các ý kiến khác nhau liên quan tới dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi).
Hy vọng, những vấn đề còn nhiều băn khoăn như thu hồi đất hay cơ chế định giá đất sẽ được chỉnh sửa hợp lý để đạt được sự thống nhất cao, trước khi dự luật này được trình ra Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.