Vẫn có những tín hiệu tích cực của nền kinh tế

(ĐTTCO) - Trao đổi với báo giới, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết GDP quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%, bình quân 9 tháng năm 2023 GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn có những tín hiệu tích cực của nền kinh tế

Như vậy để đạt được mục tiêu cả năm 6,5% thì quý IV cần đạt trên 12%, có nghĩa nền kinh tế cần tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới.

PHÓNG VIÊN: - Nhìn từ số liệu thống kê, theo bà đâu là những hạn chế đang kìm hãm tăng trưởng?

TS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG: - Trước hết có thể nhìn thấy cầu thế giới phục hồi yếu, lạm phát vẫn ở mức cao, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp (DN) công nghiệp giảm sút. Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện nhưng còn khá yếu, một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn suy giảm do chi phí đầu vào tăng cao và thị trường thu hẹp…

Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, nên dòng tiền luân chuyển hạn chế, áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN năm 2023 lớn. Thu hút FDI tuy là điểm sáng, nhưng chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Xuất khẩu đã phục hồi nhẹ qua các quý, nhưng phục hồi vẫn chậm, vẫn suy giảm. So với cùng kỳ năm trước kim ngạch xuất khẩu quý I-2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8%; quý III giảm 1,2%, 9 tháng giảm 8,2%.

DN thành lập mới có mức vốn đăng ký bình quân sụt giảm mạnh, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân/DN chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát có xu hướng tăng cao trở lại. CPI tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 4,49%, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ trong 5 năm qua. Đây là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.

- Vậy theo bà triển vọng những tháng cuối năm sẽ như thế nào?

- Chúng tôi dự báo dù còn nhiều khó khăn do áp lực từ thị trường thế giới, nhưng 3 tháng cuối năm kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng và vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực ở cả phía cung và phía cầu.

Phía cầu cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm. Cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết. Đầu tư công là động lực chính, là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và FDI. Nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc. Công nghiệp đã thoát khỏi vòng suy giảm âm và đã khởi sắc trong quý III nên sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khá. Xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do sản xuất đã bớt khó khăn và do một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản có dấu hiệu tăng trở lại.

Lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất đã giảm và dự kiến lãi suất cho vay giảm tiếp sẽ kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và kích thích tiêu dùng của người dân.

- Vậy khả năng đạt mục tiêu cả năm 6,5%?

- Theo tôi tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong quý IV. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng quý IV cần đạt trên 12%. Đây là điều không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Và để đạt được cần phát triển đường dài nhanh và bền vững, bên cạnh giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cần nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống và tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và chuyển đổi năng lượng, phát triển các mô hình kinh tế hiện đại sẽ là các động lực mới cho nền kinh tế.

Thể chế kinh tế tốt sẽ kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh - đầu tư hấp dẫn, từ đó tác động tích cực tới tăng trưởng. Chuyển đổi số là giải pháp bền vững giúp tăng năng suất lao động, tạo cạnh tranh lành mạnh và bền vững cho nền kinh tế. Việt Nam rất có thế mạnh sản xuất phần mềm và nhiều tiềm năng thương mại điện tử. Sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bán qua các nền tảng số giúp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước và khai thác tối ưu thị trường quốc tế.

Tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh/sạch… sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư, tạo ra động lực tăng trưởng cho Việt Nam, đảm bảo chất lượng tăng trưởng tốt hơn. Trong phát triển mô hình kinh tế hiện đại, kinh tế ban đêm đang được nhiều quốc gia hướng đến và coi là một động lực tăng trưởng. Phát triển kinh tế ban đêm như chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, lễ hội... sẽ đồng thời thúc đẩy ngành du lịch. Đây là lĩnh vực ta đang có nhiều dư địa.

- Xin cảm ơn bà.

Để mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, tăng trưởng quý IV cần đạt trên 12%. Đây là điều không khả thi trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Nhưng nếu thể chế kinh tế tốt sẽ kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh - đầu tư hấp dẫn, từ đó tác động tích cực tới tăng trưởng.

Các tin khác