Trong tháng 3/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ở Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng tháng 3 vẫn ở mức 5% dù đã giảm mạnh. Con số này ở Liên minh châu Âu (EU) và Anh lần lượt là 8,3% và 10,1%.
Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Trung Quốc đang ngừng tăng hoặc giảm xuống bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất và bơm tiền vào hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, cũng như bất chấp việc nước này đã gỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid vào cuối năm 2022.
Những bất ổn của nền kinh tế khiến các người tiêu dùng nước này tiếp tục cất giữ tiền vào các sổ tiết kiệm thay vì chi tiêu. Còn các doanh nghiệp vẫn giữ tâm lý thận trọng khi thực hiện các khoản đầu tư mới. Tất cả những điều này làm dấy lên nỗi lo về vòng xoáy giá cả là tiền lương (hiện tượng tăng giá do mức lương tăng lên và ngược lại) và khiến nền kinh tế càng khó phục hồi.
Theo Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ANZ Research tại Trung Quốc, dù nền kinh tế tăng trưởng mức 4,5% trong quý 1 năm nay, con số này chủ yếu phản ánh tác động từ việc nhu cầu tiêu dùng được giải tỏa sau 3 năm kìm nén vì các biện pháp phòng dịch. Nếu loại bỏ đi yếu tố này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ là khoảng 2,6%.
Cung tiền M2 (gồm tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi trong ngân hàng) đã tăng kỷ lục 5.600 tỷ USD trong 15 tháng qua. Trong khi đó, PBOC đang khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn bằng cách tăng thanh khoản thông qua nhiều công cụ chính sách như nghiệp vụ thị trường mở và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc gần như tỏ ra không quan tâm trước những chính sách này. Thay vì tiêu tiền, họ lại tích trữ tiền mặt ở mức kỷ lục. Giới phân tích cho biết, phần lớn các khoản vay mới của hệ thống ngân hàng thời gian qua đều đến từ chính quyền các địa phương để trả nợ.
Đây là một hiện tượng tiêu cực đối với nền kinh tế, bởi vì trong môi trường như vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể ngừng chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ giảm hơn nữa. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế nước này. Đây cũng chính là vấn đề đã khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào cảnh trì trệ trong hai thập kỷ và phải tới gần đây các nhà chức trách nước này mới có thể đảo ngược xu hướng.
Ông Liu Yuhui, giáo sư Học viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết, nếu phải mô tả tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, thì đó sẽ là giảm phát đã bắt đầu và nền kinh tế có thể đã rơi vào vùng suy thoái. Tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn yếu do giá bất động sản và tài sản tài chính vẫn chưa tăng lên.
Theo ông Liu, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn đang nợ chồng chất và không có khả năng hoặc không sẵn sàng chi tiêu. Trong khi đó, chính quyền các địa phương với tình hình tài chính suy kiệt do khủng hoảng bất động sản và đại dịch Covid cũng đang vật lộn do những khoản nợ lớn.
Li Daokui, giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, kêu gọi Trung Quốc phân phát tiền mặt cho người tiêu dùng để kích cầu. Đây là cách làm của nhiều nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Australia, nhưng hiếm khi được Trung Quốc sử dụng. Ông Liu, từng làm việc trong Ủy ban cố vấn của BPOC, đang kêu gọi Trung Quốc phân phát 500 tỷ nhân dân tệ (72,5 tỷ USD) dưới dạng chi phiếu tiêu dùng để thúc đẩy chi tiêu trong năm nay.
"Kể cả với những ước tính khiêm tốn nhất, 500 tỷ nhân dân tệ phiếu tiêu dùng có thể thúc đẩy tiêu dùng chung lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ. Đổi lại, Chính phủ sẽ thu về ít nhất 300 tỷ nhân dân tệ tiền thuế từ lượng tiêu dùng tăng lên. Theo đó, Chính phủ chỉ mất 200 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy 1.000 tỷ nhân dân tệ tiêu dùng", ông Li cho biết.
Về phần mình, PBOC bác bỏ những quan điểm về việc nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quá trình giảm phát và bảo vệ các chính sách hiện tại của mình.