Vẫn kỳ vọng đầu tàu kinh tế TPHCM

(ĐTTCO) - “TPHCM sẵn sàng xung phong thí điểm chính sách mới chưa có tiền lệ để làm cơ sở nhân rộng về sau…”. Đó là thông điệp được phát đi trong các buổi làm việc giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo cấp cao của Đảng và các bộ ngành trung ương mới đây. 
Một góc tphcm về đêm. Ảnh: HUY ĐỨC
Một góc tphcm về đêm. Ảnh: HUY ĐỨC

Cùng với đó, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội về những vấn đề phát triển của TPHCM trong thời gian tới, cho thấy TPHCM sẵn sàng trở lại tâm thế vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước.

Tiên phong với cái mới
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian tới những gì TPHCM chưa làm sẽ tập trung làm, không trở lại những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP hoặc đã có trong luật. Những vấn đề mới chưa có hoặc quy định không còn phù hợp, TPHCM sẵn sàng đăng cai thí điểm để rút kinh nghiệm. Với những đề xuất, kiến nghị về Luật Đất đai (sửa đổi), nếu được thông qua đến năm 2024 mới có hiệu lực, do vậy với tinh thần và trách nhiệm, TPHCM không thể ngồi chờ đến năm 2024, mà phải tích cực chủ động tìm lối đi từ thực tiễn để tổng kết kinh nghiệm, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật. 
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đánh giá nhiều cơ chế, chính sách về đất đai, môi trường mà TPHCM kiến nghị thí điểm rất đúng, có cơ sở xác đáng. Ông Hà cho biết trong số 18 vấn đề vướng mắc đã có 16 vấn đề được Bộ TN-MT đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Ông đề nghị TP phân công đầu mối chuẩn bị hồ sơ, tổng kết và hoàn thiện đề án để trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Kỳ vọng Nghị quyết 24 và 54
Ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh ở vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng. Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh cần phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển Đông Nam bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển các vùng và cả nước. 
Trong đó, TPHCM là TP kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các TP lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ và cả nước. 
Với Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, sau 5 năm thực hiện đã phát huy được những kết quả nổi bật. Theo đó, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài, để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP…

TPHCM đề xuất thí điểm 10 nội dung và phân cấp 1 nội dung
1. Xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, trình HĐND TP thông qua; trên cơ sở đó UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).
2. Áp dụng việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm. Giao UBND TP tổng kết thực tiễn và quyết định tỷ lệ phần trăm này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 
3. Được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B trên địa bàn. 
4. Tổ chức lại Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức thành Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thủ Đức trực thuộc TP Thủ Đức, thực hiện chức năng nhiệm vụ như Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh. 
5. Tách phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để thực hiện độc lập; sau khi hoàn tất sẽ tích hợp vào quy hoạch TPHCM. 
6. TP không phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm. 
7. Các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đất đóng tiền hàng năm. 
8. Áp dụng "căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án BT”. 
9. Thực hiện thủ tục về thuê đất, thuê đất có mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện thủ tục thuê khu vực biển được quy định tại Luật Biển Việt Nam và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như hiện nay đối với các dự án về cảng biển (kể cả dự án lấn biển). 
10.Cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Giao UBND TP ban hành quy định chi tiết về khai thác ngắn hạn quỹ đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, phân bổ cho Trung tâm phát triển quỹ đất tối thiểu 10% nguồn thu từ công tác này.
Về nội dung phân cấp, UBND TPHCM được xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ cho UBND cấp huyện thực hiện. 

Các tin khác