Vạn Thịnh Phát: Bao chiếm đất, kéo dài đầu tư

(ĐTTCO) - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (trụ sở chính tại TPHCM) đang sở hữu hàng loạt công ty con, sở hữu khối đất vàng đồ sộ tại TPHCM và các tỉnh lân cận, với trị giá hàng tỷ USD, thông qua các thương vụ thâu tóm đình đám.

Song, phần nhiều trong số ấy vẫn nằm trong tình cảnh để không, chưa biết ngày nào triển khai xây dựng.

Quỹ đất và dự án đồ sộ
Năm 2015, thị trường BĐS khu vực phía Nam xôn xao khi thông tin lô đất vàng rộng hàng ngàn hecta tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), cách trung tâm TPHCM chưa tới 20km, được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An, nhà đầu tư này đã nộp tổng số 65 hồ sơ dự án, với diện tích 3.746ha.
Trong đó, có 1 dự án khu công nghiệp diện tích 170ha; 10 dự án cụm công nghiệp 434ha; 48 dự án dân cư, thương mại dịch vụ 2.908ha; 5 dự án khu tái định cư, dân cư 203ha và 1 dự án nghĩa trang rộng 30ha. Đồng thời, Vạn Thịnh Phát còn đề nghị đầu tư 3 tuyến đường chính khác nhằm phục vụ những dự án trên và 3 dự án dân cư, thương mại, dịch vụ tại Cụm công nghiệp Nam Hoa, Cụm công nghiệp Tân Phú Thịnh và Làng Đại học Sài Gòn - Long An.
Hiện UBND tỉnh Long An đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 36 dự án với diện tích 2.159ha. Còn 29 dự án với diện tích 1.587ha UBND tỉnh chưa quyết định chủ trương đầu tư. Cũng trong năm 2015, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát còn làm thị trường BĐS TPHCM xôn xao khi đưa ra thông tin UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7 cho CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư. Đây là công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với số vốn điều lệ lên đến 18.000 tỷ đồng. 
Khu đất này rộng 118ha, phía Đông và Nam giáp sông Nhà Bè, phía Tây giáp đường Đào Trí, phía Bắc giáp sông Sài Gòn và rạch Bà Bướm, gần cầu Phú Mỹ, kết nối thuận tiện với trung tâm TP và quận 2. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 6 tỷ USD, được phê duyệt với các hạng mục công trình phức hợp. Dự án này từng là "miếng mồi ngon" cho nhiều cò đất. Bởi ngay sau khi thông tin dự án ra đời, nhiều cò môi giới BĐS xuất hiện tại khu vực này để tìm kiếm khách hàng. 
Vạn Thịnh Phát: Bao chiếm đất, kéo dài đầu tư ảnh 1 Liệu Thuận Kiều Plaza có đổi vận với tên mới The Garden Mall cùng nhà đầu tư mới. Ảnh: Đ. Trung 
Năm 2016 Vạn Thịnh Phát lại làm dậy sóng thị trường BĐS khi bỏ số tiền lớn ra mua lại cao ốc Thuận Kiều Plaza, đường Hồng Bàng (quận 5) do Công ty Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hồng Công) xây dựng. Thuận Kiều Plaza gần  3 tòa tháp có chức năng căn hộ (gần 650 căn), văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại - giải trí, nhà xe và các tiện ích khác. Công trình này đưa vào hoạt động từ năm 2005, được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt quận 5, trở thành trung tâm mua sắm sầm uất khu Chợ Lớn, nhưng ngay sau khi đi vào hoạt động đã “chết yểu”, hoang vắng hơn 10 năm nay.
Tiếp đó, Vạn Thịnh Phát đã gửi văn bản xin chủ trương của UBND TPHCM về việc đầu tư Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1). Đối với khu tứ giác Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế (diện tích 11.160m2, thuộc quận 1), dự tính xây khu khách sạn 40 tầng, Vạn Thịnh Phát đề nghị triển khai theo hình thức chỉ định thầu cho liên doanh nhà đầu tư là Công ty Larkhall Holding và CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát. 
Thâu tóm rồi… sao nữa?
Có thể nói, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang đứng đầu các doanh nghiệp ở TPHCM trong việc sở hữu những khu đất “vàng” tại trung tâm TP. Song, hầu hết dự án tại những khu đất đắc địa này đều nằm trong tình trạng án binh bất động.
Khởi đầu là việc thâu tóm Trung tâm thương mại Vincom A (nay được đổi tên thành Union Square) hồi tháng 6-2013, Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến Tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại dự án trên. Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường.
Sau thâu tóm, trung tâm thương mại này đi vào hoạt động một thời gian với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, nhưng 2 năm qua toàn bộ tầng trệt và các tầng hầm đều bị "phong tỏa" với biển thông báo đang sửa chữa và sẽ hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm hiện tại, dự án này chỉ còn vài thương hiệu thời trang nổi tiếng còn trụ lại. Thông tin bên ngoài đồn đoán cho rằng Vạn Thịnh Phát đang điều chỉnh thiết kế, muốn biến Union Square thành khách sạn 6 sao, nằm gần kề tại trụ sở UBND TP.
Dự án khác là Thuận Kiều Plaza, với quỹ đất rộng gần 10.000m2 nằm mặt tiền đường Hồng Bàng, quận 5. Tòa nhà này đã được CTCP đầu tư An Đông - thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại, và năm 2017 đã được sơn lại 3 tòa tháp, từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây. Chủ đầu tư cũng đã tiến hành sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên Thuận Kiều Plaza thành The Garden Mall.
Một chuyên gia BĐS ở TPHCM cho biết nếu không có năng lực tài chính hùng mạnh, cộng với phương án kinh doanh khả thi, dự án The Garden Mall rất dễ rơi vào tình trạng chết dở như trước đây. Với dự án này, nếu chỉ sửa chữa lại trung tâm thương mại, sơn phết lại bên ngoài tòa nhà mà không cải tạo hay thiết kế lại các căn hộ bên trong sẽ không cải thiện chất lượng so với dự án cũ là bao.
Đáng chú ý hơn là siêu dự án Saigon Peninsula, với số vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD. Theo tìm hiểu, vào tháng 4-2016, Vạn Thịnh Phát đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình này tại phường Phú Thuận (quận 7). Dự án có tổng diện tích gần 120ha, bao gồm công viên đa chức năng, bến cảng du thuyền quốc tế, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn sang trọng… 1 năm rưỡi trôi qua, khu đất dự án vẫn im ắng, hoang vu.
Trước lễ khởi công, các bảng công bố thông tin vẫn còn hiện rõ từng con chữ về dự án, đến nay hầu như đã bị xóa sạch theo nắng mưa. Buổi chiều tà nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy một số khu vực được người dân tận dụng làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, đổ rác thải và hàng ngày có nhiều người đến đây bới móc rác mưu sinh. Nhìn sang hướng khác, khu đất toàn dừa nước, cỏ cây mọc lút đầu người.
Chị Trần Thị Sen, người dân sống lâu năm gần khu đất dự án Saigon Peninsula, thổ lộ: “Tôi bán nước ở khu vực này lâu rồi, năm ngoái thấy người ta rầm rộ làm lễ khởi công, người dân trong vùng cũng thấy vui. Rồi miết từ đó đến nay, chủ đầu tư dựng mấy tấm tôn bao quanh khu đất rồi đi đâu mất tiêu. Bây giờ người dân đổ rác vào đó, dơ bẩn cả khu vực”.
Sẽ thu hồi đất dự án treo
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, từ chỉ đạo của lãnh đạo TP, hiện nay cơ quan này và quận, huyện đang tiếp tục rà soát tình trạng sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 với số lượng khoảng 1.283 dự án. Qua rà soát ban đầu cho thấy có trên 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, trên cơ sở kết quả rà soát, sở và các quận, huyện sẽ tập trung phân loại, đối chiếu quy định pháp luật để xử lý các dự án chậm tiến độ. Kể cả khi giao đất cho doanh nghiệp quản lý mà sử dụng không đúng mục đích, không triển khai, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí đều phải bị xử lý, thu hồi. Khi thu hồi dự án, UBND các quận, huyện sẽ niêm yết công khai thông tin dự án thu hồi hoặc dự án được gia hạn để người dân giám sát, đồng thời giải quyết quyền lợi của người dân theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM vẫn còn tình trạng dự án treo, nhà đầu tư được giao đất nhưng lại kéo dài, đất bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Hồi giữa năm 2017, UBND TPHCM cũng đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn năm 2016-2020.
Trong đó có nội dung khai thác có hiệu quả nguồn thu và tăng cường chống thất thu ngân sách nhà nước bằng giải pháp thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư các dự án sử dụng đất, các dự án không nằm trong quy hoạch sẽ cắt giảm, dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép cũng sẽ bị thu hồi.

 Ngăn chặn tình trạng đầu cơ địa ốc

Bộ Xây dựng vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về thị trường BĐS, cho rằng thị trường này vẫn phát triển tự phát, chưa đầy đủ và thiếu thống nhất; chưa bảo đảm công khai, minh bạch; gây khó khăn cho cả công tác quản lý Nhà nước lẫn người dân khi muốn mua bán, đầu tư. Đã có nhiều dấu hiệu về đầu cơ, làm sai lệch thông tin dự án qua khâu phân phối, cần được xử lý và ngăn chặn.
Theo báo cáo, hiện nay lượng tồn kho BĐS tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá lớn, thị trường im ắng. Phần lớn các dự án BĐS tồn kho do nằm xa trung tâm phố thị, chưa có hạ tầng nên rất khó tiêu thụ. Tính đến 20-9-2017, tổng giá trị hàng tồn kho còn khoảng 26.294 tỷ đồng, tăng 15,24% so với tháng 12-2016. Nguồn cung nhà ở cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi nhà ở xã hội vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu thực tế.
Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan quản lý và các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ về việc quyết định hoặc chấp thuận đầu tư đối với các dự án mới, nhất là căn hộ trung-cao cấp; khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án căn hộ diện tích nhỏ, giá trung bình để tránh lệch pha cung-cầu, gây bất ổn thị trường với các cơn số giả tạo do đầu cơ.
Q. HUY

Các tin khác