Vàng miếng SJC đắt đỏ kỷ lục

(ĐTTCO)-Thị trường vàng trong nước giao dịch yếu ớt nhưng vẫn neo ở mức giá 70 triệu đồng/lượng. Đáng nói, dù mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, giá vàng thế giới giảm mạnh nhưng vàng SJC vẫn tăng và đang cao hơn vàng thế giới kỷ lục 17,8 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC đắt đỏ kỷ lục

Điều đó đồng nghĩa với việc người trong nước phải mua vàng miếng SJC đắt hơn tới 34%.

Vàng vẫn đà giảm

Chiều 2.5, giá vàng miếng SJC giảm sau đà tăng bất thành vào đầu ngày. Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng hạ 100.000 đồng/lượng, xuống còn 70 triệu đồng/lượng, chiều mua vào còn 69,55 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu giảm giá mua vàng miếng SJC 80.000 đồng/lượng, còn 69,4 triệu đồng/lượng, trong khi bán ra giảm 100.000 đồng/lượng, còn 70,06 triệu đồng/lượng…

Dân buôn vàng rỉ tai nhau động thái tăng giá vàng vào đầu giờ sáng của các công ty kinh doanh vàng là để “thăm dò” thị trường nhưng mãi lực thị trường quá yếu nên đẩy giá bất thành.

Tính chung trong vòng 20 ngày trở lại đây, vàng SJC bị thổi bay 1 triệu đồng/lượng. Cũng quãng thời gian này, vàng thế giới “bay màu” 120 USD/ounce sau khi chạm mức 2.000 USD/ounce.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, dự báo: “Vàng rớt thảm và khả năng sẽ còn giảm nữa”. Bởi giá vàng đang chịu nhiều sức ép giảm do sự mạnh lên của đồng USD, chỉ số USD-Index đã tăng lên mức cao 103,36 điểm.

Trong tuần này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ. Thị trường vẫn kỳ vọng Fed tăng lãi suất thêm 0,5% để giải quyết vấn đề lạm phát gia tăng. Đây là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng giá mạnh của USD và gây áp lực lên giá vàng.

Mặc dù kim loại quý đã có cơ hội tăng giá do chiến sự Ukraine, nhưng đã không thể vượt qua được mức giá 2.000 USD/ounce mà lình xình đi ngang. Dự báo 6 tháng cuối năm 2022, vàng sẽ có cơ hội tăng giá khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ diễn ra.

Ông Dương Anh Vũ, Trưởng phòng Phân tích Công ty giao dịch hàng hóa HTS, cũng cho rằng trong tuần này có 2 sự kiện quan trọng là cuộc họp của Fed và bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.

Dù gặp khó khăn do lạm phát tăng cao, nhưng Fed nhiều lần khẳng định kinh tế Mỹ đang đi đúng lộ trình, lạm phát được kìm chế nên Fed bắt đầu thu hẹp quy mô mua trái phiếu. Bên cạnh đó, giới phân tích dự đoán khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. USD mạnh lên trong những phiên giao dịch gần đây, nên giá vàng gặp sức ép khá lớn.

Nếu Fed tăng lãi suất, giá vàng có thể giảm về 1.860 USD/ounce trong tuần này. Dự đoán trong ngắn và trung hạn, giá vàng có thể giảm sâu hơn về 1.806 USD/ounce và giá vàng SJC khó giữ vững trên mức 70 triệu đồng/lượng mà khả năng về 68 triệu đồng/lượng trong ngắn và trung hạn.

Thoát ly giá thế giới

Tốc độ giảm của kim loại quý trong nước chậm hơn quốc tế, dẫn đến mức giá SJC cao hơn đẩy lên kỷ lục 17,8 triệu đồng/lượng. Người tiêu dùng trong nước phải bỏ ra số tiền nhiều hơn đến 34% để nắm giữ 1 lượng vàng.

Ông Trần Thanh Hải nhận xét thông thường trường hợp giá vàng thế giới giảm thì giá vàng miếng SJC sẽ giữ giá, đẩy mức chênh lệch lên cao hơn 18 triệu đồng/lượng và có thể lên 20 triệu đồng/lượng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thế nhưng, dù giá trong nước cao hơn quốc tế 34% mà những người đang nắm giữ vàng vẫn không bán ra, điều này cho thấy cung cầu trên thị trường vàng trong nước hiện đã đứt gãy. Số lượng vàng mà Công ty SJC dập thời gian qua lên khoảng 30 triệu lượng vàng, tương đương hơn 1.100 tấn.

Đây là một lượng vàng không hề ít, nhưng có thể một phần đã được đưa vào làm nguyên liệu sản xuất nữ trang, một phần xuất khẩu, còn lại nằm trong dân. Giá vàng SJC chịu tác động từ các tổ chức kinh doanh lớn và ngân hàng, trong khi Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào thị trường nên người tiêu dùng muốn mua vàng phải chịu bỏ ra mức giá cao hơn để nắm giữ.

Cùng quan điểm mức chênh lệch giá SJC có thể lên 20 triệu đồng/lượng, ông Nguyễn Ngọc Trong, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Đối tác mới, dự báo giá vàng thế giới sẽ giảm về 1.850 USD/ounce trước khi xác định tiếp hướng đi mới. Điều này sẽ khiến khoảng cách chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước gia tăng lên mức cao.
Bởi thị trường hiện nay chưa có một lực bán nào can thiệp để điều tiết mức giá trở về trạng thái bình thường. Đặc biệt, trong trường hợp giá quốc tế sụt giảm mạnh hơn, trong nước sẽ không giảm theo kịp thì khoảng cách giá càng cao.
Ngoài mức giảm kỹ thuật, vàng quốc tế đang chịu sức ép giảm giá từ thông tin Nga bán vàng, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Trung Quốc sụt giảm trước dịch Covid-19.

Can thiệp giá vàng hay không vẫn đang nhận những ý kiến trái chiều, song đa số các chuyên gia đều cho rằng đây là việc làm không cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế có quá nhiều việc quan trọng phải làm hiện nay. Chưa kể vàng cũng không còn là nơi trú ẩn, đầu tư hay yêu thích của nhiều người.

Tại báo cáo quý 1 vừa được Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố, nhu cầu vàng trong quý 1 cao hơn 34% so với quý 1 năm 2021, nhờ dòng vốn ETF mạnh mẽ, lên 1.234 tấn, cao nhất kể từ quý 4 năm 2018 và cao hơn 19% so với mức trung bình 5 năm là 1.039 tấn. Giá vàng tăng 8%.

Chiến sự tại Ukraine và lạm phát gia tăng là những yếu tố chính thúc đẩy cả giá và nhu cầu trú ẩn vào vàng. Dòng vốn vào các quỹ đầu tư ETF hàng quý mạnh nhất kể từ quý 3/2020, được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn, tăng 269 tấn, nhiều hơn so với mức 174 tấn của năm 2021.

Tiêu thụ trang sức mất đà trong quý 1/2022 khi nhu cầu giảm 7% so với cùng kỳ ở mức 474 tấn. Sự sụt giảm phần lớn là do nhu cầu ở Trung Quốc và Ấn Độ giảm.

Các ngân hàng trung ương đã bổ sung 84 tấn vào dự trữ vàng chính thức toàn cầu trong quý đầu tiên. Mua ròng tăng hơn gấp đôi so với quý trước nhưng giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hội đồng Vàng thế giới

Các tin khác