Vàng - Thuần hóa con ngựa bất kham

(ĐTTCO)-“Quý như vàng” là câu nói cửa miệng, phản ánh vai trò quan trọng của vàng đã ăn sâu vào tâm khảm người dân, từ đó tác động lên sự ổn định của nền kinh tế - xã hội. Kể từ khi Việt Nam chính thức đổi mới kinh tế và mở cửa, vàng đã nhiều lần tạo sóng, gây bối rối cho công chúng, làm đau đầu cơ quan hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ. Và trong suốt một thời gian dài, điều hành thị trường vàng giống như phải thuần hóa một con ngựa bất kham.
Vàng - Thuần hóa con ngựa bất kham
Ánh hào quang quá khứ của giá vàng
Dưới góc độ đầu tư quốc tế, vàng vốn được xem là một kênh trú ẩn an toàn khi thị trường tài chính toàn cầu giông bão. Từ khủng hoảng kinh tế cho đến thiên tai hay địch họa, người ta luôn tìm đến vàng như một nơi bảo toàn giá trị cho tài sản. Nói như vậy để hiểu vì sao vàng lại quá quan trọng đối với người dân nước ta. 
Chúng ta có những nét văn hóa đặc thù của một nền văn minh lúa nước, khởi đầu bằng sản xuất nông nghiệp, lại có chiều dài lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nên hầu như cuộc sống và sinh kế của người dân đều phụ thuộc vào thời tiết và chiến tranh trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Việc phải liên tục di chuyển và thay đổi cuộc sống đã khiến cho họ xem vàng như một loại tài sản tối thượng trong bảo toàn thành quả lao động và phòng ngừa rủi ro.
Thói quen thậm chí là tập quán, cứ cố gắng tiết kiệm khi nào đủ tiền thì đi mua một chỉ vàng để dành đã ăn sâu và truyền nối từ đời này sang đời khác. Điều này dần khiến cho biến động giá vàng trở thành một thước đo các giá trị kinh tế. Nhìn vào giá vàng người ta luận ra sức mua của tiền VNĐ, mặt bằng giá cả, lạm phát kỳ vọng và cả diễn biến tỷ giá hối đoái.
Và tất cả những yếu tố này chắc chắn sẽ tác động lên lãi suất. Vậy hóa ra, điều hành chính sách tiền tệ trước đây đôi khi lại là câu chuyện điều hành thị trường vàng.
Câu chuyện thị trường vàng càng bị đẩy đi xa hơn khi năm 2006 các sàn giao dịch vàng được thành lập, về bản chất là một loại giao dịch phái sinh trên biến động giá vàng. Nhưng vì không có sự liên thông giữa giao dịch trên sàn vàng và giao dịch trên thị trường vàng vật chất, nên sàn giao dịch vàng đôi khi không khác gì một canh bạc đỏ đen.
Tệ hơn, tâm lý người dân lúc đó hoang mang cực độ với những khái niệm như “giá vàng trên sàn”, “giá vàng vật chất”, “giá vàng trong nước”, “giá vàng thế giới” ra rả mỗi ngày trên các bản tin tài chính. 
Hệ quả là, gần như cả hệ thống tài chính-tiền tệ bị lệ thuộc vào thị trường vàng, vốn nằm trong tay giới đầu cơ đang “hô mưa gọi gió”. Phương trình chính sách tiền tệ vốn đã phức tạp với hệ mục tiêu đa biến gồm ổn định giá cả, ổn định lãi suất và trên hết là ổn định tỷ giá hối đoái, thì nay lại càng phức tạp hơn với biến số giá vàng. Vàng gần như là một loại tiền tệ tối thượng lưu hành song song với VNĐ và USD, thậm chí đe dọa và lấn át vai trò của VNĐ trong điều hành chính sách tiền tệ.
Vì vậy mà giai đoạn từ năm 2006 đến cuối năm 2009 gần như biến động giá vàng, cả giá thế giới và trong nước luôn là yếu tố đầu tiên thu hút sự chú ý từ chị bán hàng rong cho đến nhà điều hành chính sách.

Ngọn roi mang tên Nghị định 24
 NĐ24 đã tạo ra một bước ngoặt làm thay đổi cơ bản vai trò của thị trường vàng đối với nền kinh tế Việt Nam: Trả thị trường vàng về đúng bản chất của một thị trường hàng hóa đúng nghĩa, loại vàng khỏi vai trò lưu thông tiền tệ bằng cách chuyển quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng. 
Nhận thấy những bất cập và hệ luỵ từ các sàn giao dịch vàng nên từ tháng 12-2009, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm tất cả các sàn giao dịch vàng. Tiếp tục đến tháng 4 - 2012, Nghị định 24 (NĐ24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đã tạo ra một bước ngoặt làm thay đổi cơ bản vai trò của thị trường vàng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tinh thần chủ đạo của NĐ24 là trả thị trường vàng về đúng bản chất của một thị trường hàng hóa đúng nghĩa, loại vàng khỏi vai trò lưu thông tiền tệ bằng cách chuyển quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng.
Bên cạnh đó là các quy định nhằm sắp xếp, cấu trúc lại hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất vàng miếng, nghiêm cấm kinh doanh vàng tài khoản và sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của hệ thống ngân hàng thương mại. 
NHNN cũng không cấp phép cho việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất trang sức, nữ trang, mỹ nghệ mà để cho thị trường trong nước tự điều tiết giúp tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ vốn trước đây phải tiêu tốn cho việc nhập khẩu vàng.
Điều này làm cho tính liên thông của thị trường vàng trong nước và thế giới bị chặt đứt, khiến cho biến động giá vàng thế giới không còn gây áp lực lên giá vàng trong nước và đặc biệt là không tạo sức ép cho tỷ giá USD/VNĐ. Giao dịch kinh doanh chênh lệch giá giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng không thể thực hiện được khiến cho hoạt động đầu cơ vàng hầu như bị triệt tiêu. Nội dung NĐ24 như những ngọn roi làm cho thị trường vàng trở nên ngoan ngoãn.  
Tác động tổng thể là người dân không còn động cơ để nắm giữ vàng, vừa lãng phí vì không thể gửi vào ngân hàng, vừa rủi ro khi phải cất giữ ở nhà. Trong khi nhiều kênh tiết kiệm và đầu tư khác được mở ra như chứng khoán, chứng khoán phái sinh, kinh doanh, khởi nghiệp và đặc biệt là bất động sản khiến cho cơ hội phí của việc nắm giữ vàng vật chất trở nên vô cùng đắt đỏ.
Điều này đã tạo ra một tác động rất tích cực là huy động được một lượng lớn vốn nhàn rỗi trong dân chúng trước đây vốn tồn tại bằng vàng nay được đưa vào sản xuất, kinh doanh và đầu tư, giúp tiết kiệm cho nền kinh tế một nguồn lực tài chính to lớn. Lượng dự trữ ngoại hối gia tăng liên tục trong thời gian vừa qua chắc chắn có liên quan đến quá trình chuyển hóa từ lượng vàng vật chất nhàn rỗi trong công chúng được đưa vào lưu thông.

Sóng yên biển lặng trên thị trường vàng
 Đầu cơ vàng chỉ còn là một ánh hào quang trong quá khứ. NĐ24 và những nỗ lực khác nhằm thuần hóa con ngựa giá vàng bất kham trong suốt thời gian qua đã làm cho sóng yên biển lặng trên thị trường vàng trong nước.
Những lập luận nêu trên được thử thách vào ngày 24-2 vừa qua, khi giá vàng trong nước trong vòng một buổi chiều đã tăng từ hơn 46 triệu đồng lên gần 50 triệu đồng/lượng, mức giá cao kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Thử hỏi điều gì đã khiến giá tăng một cách bất thường như vậy nếu như không phải là yếu tố đầu cơ làm giá.
Một khi thị trường vàng trong nước đã không còn liên thông với thị trường thế giới, thì việc giá vàng quốc tế vượt mốc 1.600 USD/ounce kéo giá vàng trong nước tăng theo hoàn toàn chỉ là một cái cớ, không hơn không kém.
Đáng chú ý là ngay thời điểm giá trong nước tăng liên tục lên gần chạm mốc 50 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng lúc đó xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng, chứng tỏ thị trường không hề có thanh khoản.
Như vậy, hoàn toàn không phải là do một lực cầu vàng lớn vượt quá cung đã đẩy giá tăng, mà do những đầu mối kinh doanh vàng đã đẩy giá tăng, không ngoài mục đích “ném đá dò đường”, muốn thử xem phản ứng thị trường vàng sau gần chục năm kể từ khi NHNN chốt khóa bằng NĐ24 sẽ như thế nào.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi trước đó ít lâu trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều bài phân tích nói về xu hướng giá vàng tăng khi tâm trạng của giới đầu tư quốc tế đang lo ngại nguy cơ bất ổn của nền kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, cộng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Giới đầu cơ vàng trong nước đang rất muốn biết liệu sau chừng đó năm kể từ khi thị trường vàng đi vào nề nếp thì phản ứng của công chúng, nhà đầu tư và các cơ quan điều hành chính sách đối với những biến động bất thường của giá vàng như thế nào. Và liệu họ còn cơ hội “kiếm ăn” nhờ tạo và lướt sóng giá vàng hay không? Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà giá vàng trong nước tăng đột biến ngay sau những tin tức về dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hàn Quốc được liên tục tung ra.
Nhưng thật thú vị, phản ứng của thị trường sau đó đã không như những gì mà giới đầu cơ vàng mong muốn, không hề có bất kỳ một phản ứng thái quá nào với cái gọi là kỷ lục giá vàng trong vòng 10 năm qua. Công chúng đã chú ý quan sát và theo dõi biến động giá vàng với tâm trạng tỉnh táo và bàng quang, như thể thị trường vàng không phải là sân chơi của họ.
Không hề có cảnh tượng người ta đổ xô và chen lấn nhau đi mua vàng như cách đó 10 năm mà chẳng cần một lời cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý. Và không hề có một động thái can thiệp, chỉ sau một đêm lập tức giá vàng giảm hơn 3 triệu đồng một lượng để quay trở về mốc xuất phát trước đó. Mọi nỗ lực làm giá đã không thể làm cho thị trường vàng dậy sóng. NHNN án binh bất động, không tốn một đồng can thiệp, thị trường tự điều chỉnh để quay về trạng thái cân bằng.
“Quý như vàng” giờ đây chỉ còn là một câu thành ngữ thể hiện thói quen và tập quán của người xưa. Đầu cơ vàng chỉ còn là một ánh hào quang trong quá khứ. Những bài học kinh nghiệm xương máu, những tác động tích cực của NĐ24 và những nỗ lực khác nhằm thuần hóa con ngựa giá vàng bất kham trong suốt thời gian qua đã làm cho sóng yên biển lặng trên thị trường vàng trong nước. Giờ đây, mọi người đã có thể ngủ ngon dù cho ngoài kia giá vàng đang nhảy múa. 

Các tin khác