“Lấy nó nuôi nó”
Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa bàn 4 tỉnh, TP gồm TPHCM 47,51km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km và Long An 6,81km. Điểm đầu công trình là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư sơ bộ 75.378 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết rút kinh nghiệm từ những dự án trước, các địa phương có dự án đi qua đã rà soát, sắp xếp đấu giá quỹ đất công dọc tuyến đường Vành đai 3 để tạo vốn. Riêng TPHCM đã rà soát lại kế hoạch đầu tư trung hạn trong 5 năm để bố trí sắp xếp, ưu tiên vốn cho dự án.
UBND TP đã giao Sở QH-KT và Sở TN-MT rà soát toàn bộ quỹ đất liên quan. Bước đầu xem xét, quỹ đất công của TPHCM dọc tuyến đường Vành đai 3 có hơn 511ha, tính giá sơ bộ gần 30.000 tỷ đồng. TPHCM cũng rà soát quy hoạch quỹ đất công ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi để đấu giá bổ sung nguồn vốn đầu tư cho đường Vành đai 3. Đây là nguồn thu không nhỏ để có thể tái đầu tư cho dự án, như là hình thức “lấy nó nuôi nó”.
Năm 2022, vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Như vậy, khi đầu tư cho đường Vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng. TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng quá trình triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối các khu đất dọc theo án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá, giá trị các khu đất này cũng sẽ tăng. Đường song hành 2 bên được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển các đô thị 2 bên sẽ được tính toán, hoạch định cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
Với tính chất vừa là đường cao tốc vành đai liên vùng, vừa là đường cao tốc đô thị, đường Vành đai 3 có vai trò hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có tuyến đi qua. Đặc biệt, dự án này còn là tiền đề, điều kiện cần để kêu gọi đầu tư, phát triển khu đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ của các khu vực có tuyến đi qua, nâng cao khả năng kết nối giữa các đô thị vệ tinh dọc theo 2 bên đường; giảm ách tắc giao thông ở TPHCM; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất; tăng hiệu quả đầu tư đối với các dự án khác đang được triển khai thực hiện.
Ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, do phần tuyến chính cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định, nên việc đầu tư xây dựng đường song hành là cần thiết để tổ chức giao thông kết nối với khu đô thị, khu dân cư dọc 2 bên tuyến, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất 2 bên đường, đảm bảo các mục tiêu đầu tư, đồng thời phù hợp với các quy hoạch đã được duyệt.
Phát triển các khu đô thị dọc theo dự án
Phát triển các khu đô thị dọc theo dự án
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), cho biết báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Theo các chuyên gia, với tính chất kết nối liên vùng, là điểm đầu của 5 tuyến cao tốc, kết nối với các tuyến quốc lộ hướng tâm, việc đầu tư dự án đường Vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao nhằm tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề khai thác quỹ đất 2 bên đường cao tốc, qua khảo sát ở nước ta và nhiều nước khác, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng về việc khai thác quỹ đất 2 bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư.
Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh 2 bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước. “Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét mới có khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại” - ông Nghĩa nêu rõ.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp, cho rằng hiện nay TPHCM nói riêng và các tỉnh thành lân cận nói chung quỹ đất sạch để phát triển khu đô thị rất hiếm. Chính vì vậy, việc tạo quỹ đất khi xây dựng Vành đai 3 là việc làm “nhất cử lưỡng tiện” cho TPHCM và các địa phương vừa phát triển được giao thông vừa tạo thêm quỹ đất.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng băn khoăn công tác quy hoạch phải hết sức đồng bộ, bài bản để có thể hình thành những khu đô thị hiện đại, phát huy đúng giá trị của đất đai ở những khu vực này, thực sự “đánh thức” để khơi dây tiềm năng những vùng đất dự án Vành đai 3 đi qua.