Báo cáo chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố hôm nay (6-6) đã cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của bất động sản (BĐS).
Theo VARS, các doanh nghiệp BĐS hiện nay đang như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để “ngoi lên”. Trong suốt thời gian dài, kể từ đầu năm 2022, dù Chính phủ liên tục công bố các giải pháp 'giải cứu" thị trường BĐS, nhưng các chính sách vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
Số liệu khảo sát của VARS cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 1.744 doanh nghiệp thành lập mới.
Về doanh thu, tính riêng trong quý I, doanh thu của các doanh nghiệp BĐS giảm 6,46% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.
Khó khăn trên cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp BĐS có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31-12-2022) cho thấy, có tới 6 DN phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022. Tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II-2022.
VARS dự báo, nếu tình hình thị trường BĐS vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.