VCCI đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong thời gian qua đã góp phần kích cầu nội địa, mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế. “Trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên vào năm 2026 và đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc tiếp tục thực hiện chính sách này và đồng ý với đề xuất mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất trong dự thảo, nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích thích tiêu dùng nội địa”, VCCI đề xuất.
Về danh mục hàng hóa cụ thể, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép giảm thuế GTGT với sản phẩm kim loại. Bởi sản phẩm kim loại đóng vai trò quan trọng, là đầu vào sản xuất nhiều mặt hàng thiết yếu, từ đồ gia dụng đến vật liệu xây dựng, phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và cho mục đích tiêu dùng. Việc không giảm thuế GTGT với mặt hàng này sẽ ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, xây dựng và mục tiêu kích cầu tiêu dùng.
Theo VCCI, phản ánh của doanh nghiệp cho thấy, việc phân loại sản phẩm kim loại (10%) với sản phẩm phi kim (8%) hoặc sản phẩm được sản xuất, gia công từ kim loại (8%) trong nhiều trường hợp là khó khăn. Khó khăn do đặc tính lý hoá của sản phẩm trong từng trường hợp cụ thể khác nhau hoặc do các cơ quan (hải quan/thuế) có quan điểm khác nhau, dù đã trải qua 5 năm thực hiện chính sách này.
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước chỉ giải đáp chung, mang tính tham khảo mà không thể làm căn cứ thực thi. Việc này gây ra rủi ro bị truy thu thuế với doanh nghiệp trong tương lai.
Trước đó, Bộ Tài chính thông báo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).