Vì sao DN chần chừ đầu tư KHCN

(ĐTTCO)- Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy năng suất, chất lượng đối với DN vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng phải quan tâm.
    Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài (Hà Nội) - Ảnh: VGP
    Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Đan Hoài (Hà Nội) - Ảnh: VGP
    Theo khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam, 43% DN quan tâm tới đổi mới KHCN. Tuy nhiên, việc DN tham gia tạo ra nhiều áp lực về các nguyên tắc thương mại đầu tư, sở hữu trí tuệ. Nhiều trường hợp DN vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ nhưng chưa rõ quy trình nên bắt đầu từ đâu. Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều DN vừa và nhỏ đang tập trung vào phục hồi tài chính và nhân lực, việc đổi mới vẫn còn là câu chuyện của tương lai.

    Chính sách đã có nhưng chưa đồng bộ

    TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mặc dù hiện nay, nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào KHCN, nhận thức của DN về đổi mới KHCN đã tốt hơn so với trước đây nhưng việc đầu tư, phát triển KHCN tại các DN vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.

    Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là tác động của dịch COVID-19, tâm lý muốn giữ vững ổn định, sợ sự xáo trộn đã khiến những chương trình đầu tư vào KHCN của DN phải lùi thời gian.

    Bên cạnh đó, DN chưa thể dễ dàng tiếp cận một số ưu đãi mà họ quan tâm nhất. Đơn cử như quy định về tiền thuê đất, nếu DN tách ra một phần để đổi mới thì tiền thuê đất một phần đó sẽ như thế nào, có được ưu đãi không? Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế đối với DN muốn phát triển thành DN KHCN cũng chưa hẳn vượt trội với các loại hình DN khác. Đặc biệt, đối với khu vực DN nhỏ, đó là trở ngại lớn về vốn, họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư đổi mới KHCN…

    Hơn nữa, hiện nay nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Thực tế, các DN nhỏ và vừa không có nhiều lao động am hiểu về cải tiến năng suất, chất lượng, trong khi chính họ là lực lượng chủ chốt, thường xuyên để phát hiện và cải tiến những vấn đề tồn tại của doanh nghiệp mình.

    “Đây là những hạn chế khiến DN còn lúng túng, chần chừ và chưa quyết liệt hành động. Chúng ta đã có những chính sách khuyến khích nhưng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ. Ngay cả thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, các tiêu chí, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để DN chuyển đổi sang DN KHCN vẫn còn chưa rõ ràng”, TS. Tô Hoài Nam nói.

    Là một trong những mô hình trồng hoa lan công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội, Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) hiện có khoảng 12 ha với 7 nhà hoa, được thiết kế theo công nghệ nhà kính và nhà lưới hiện đại có thể chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đối với lan hồ điệp chất lượng cao. Mỗi năm, HTX sản xuất trung bình khoảng 800.000 cây hoa hồ điệp các loại, cho doanh thu khoảng 7 tỷ đồng/năm.

    Bà Bùi Thị Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài cho biết, KHCN chính là chìa khóa, động lực giúp nâng cao giá trị, giảm thiểu rủi ro và củng cố thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất hoa vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, HTX Đan Hoài cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ, chính sách xã hội hóa hoạt động KHCN nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

    Cơ chế tài chính là điều mong chờ đổi mới nhất

    Riêng về DN KHCN, ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho hay, hiện Bắc Giang chỉ có 10 DN KHCN (cả nước có hơn 500 DN KHCN) và hầu hết mới thành lập trong giai đoạn 2019-2021. Nhiều DN đã quan tâm đến việc phát triển thành DN KHCN, tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như: DN chưa mặn mà vì còn lúng túng trong việc tiếp cận các chính sách của Nhà nước ưu đãi về thuế, tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước… Trên thực tế, việc được áp chính sách thuế mới đang triển khai sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 03 về ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập DN hồi đầu năm 2021.

    Hơn nữa, quy định của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về điều kiện doanh thu đạt tối thiểu 30% tổng doanh thu áp dụng cho DN trên 5 năm cũng là vấn đề không dễ khi muốn đăng ký thành DN KHCN. Đã có trường hợp Bắc Giang phải chuyển hồ sơ cho Bộ KH&CN xem xét để công nhận DN KHCN. Hiện cũng chưa có DN nào ở Bắc Giang tiếp cận được với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia…

    Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) từng nêu tại một hội nghị về ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: “DN có thể không xin thêm tiền đầu tư nhưng vẫn cần Chính phủ giải quyết một số vấn đề cốt lõi về mặt chính sách”.

    Điều trăn trở của các DN dệt may Việt Nam là nếu đầu tư cho công nghệ 4.0, đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng thì có được sử dụng lợi nhuận trước thuế không, có được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư vào đó không? Mặt khác, nếu để đổi mới công nghệ, DN có thể hợp tác với nhiều DN khác trong nước nội địa hóa sản phẩm hoặc kết hợp thành chuỗi để có thể đi với nhau ngay từ đầu, đặt hàng họ nghiên cứu tạo ra sản phẩm dành riêng cho mình…

    Theo cách đó, DN sẽ đặt hàng không qua đấu thầu mà DN có thể mua sản phẩm giá cao vì sản phẩm đầu tiên có thể đắt. Điều đó lại trái quy định hiện hành là phải tiến hành đấu thầu và chọn nhà thầu có giá đề xuất thấp nhất. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì vấn đề liên kết chuỗi, nội địa hóa chắc chắn chỉ tồn tại trên giấy, không bao giờ thành hiện thực.

    Ghi nhận trong thời gian qua, những chính sách khuyến khích DN lập quỹ KHCN, DN lập các tổ chức hoặc bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D)… đã bắt đầu phát huy tác dụng. Làn sóng DN rót tiền vào R&D hoặc thậm chí lập quỹ tài trợ KHCN đã nổi lên với nhiều gương mặt như Vingroup, Phenikaa, Trường Hải, Rạng Đông, VinaFood…

    Tuy nhiên, sự nhanh nhạy của DN trong bối cảnh mới đã đưa DN đi trước cả chính sách. Những bất cập trong chính sách bắt đầu bộc lộ, ví dụ như các DN trích lập được quỹ R&D nhưng việc dùng tiền đó để chi tiêu cho nhu cầu R&D của chính mình thì vô cùng khó khăn. Do đó, những cơ chế tài chính liên quan đến DN đầu tư cho hoạt động KHCN là điều mà Bộ KH&CN đang mong chờ đổi mới một cách căn bản.

    Từng lấy ví dụ về việc “có rất nhiều DN trong ngành dầu khí lập ra quỹ khoa học mấy nghìn tỷ và rất nhiều DN tư nhân không cần Nhà nước phải chi ngân sách trực tiếp mà chỉ cần đổi mới cơ chế hạch toán là được”, tại buổi làm việc với Bộ KH&CN vào tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề xác định “cơ chế vượt trội”.

    Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: Để DN là trung tâm hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thì Bộ KH&CN phải làm gì? Các đồng chí không chỉ ở vai trò người đi kêu mà phải trực tiếp tham gia tư vấn, xây dựng chính sách cụ thể, vướng ở điểm nào, sửa ra sao, từ nguồn vốn, thuế, đất đai cho đến cơ chế hạch toán tài chính DN, hỗ trợ tiếp cận thị trường.

    “Bằng chính sách thuế, tín dụng, đấu thầu… thì không cần khuyến khích, DN cũng tự động đầu tư vào KHCN bởi vì đây là lợi ích trực tiếp”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở.

    Các tin khác