Đó là câu hỏi của quan chức Guatemala với Chan Chin Bock, Trưởng đại diện Cục Phát triển Đầu tư (EDB) Singapore tại New York, trong hội nghị do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tại Miami, Florida cuối năm 1983. Hội nghị này nhằm kêu gọi các quốc gia vùng Caribe thay đổi chiến lược phát triển và hợp tác kinh tế với Mỹ.
Ban tổ chức cho rằng việc giới thiệu mô hình thành công của các quốc gia công nghiệp mới (NIC) như Đài Loan, Hồng Kông và Singapore sẽ mang tính thuyết phục cao. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ George Schultz có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã mời Singapore cử diễn giả đến phát biểu và ông Chan được giao nhiệm vụ làm công việc đó.
Sau bài phát biểu, các đại biểu là chủ tịch và giám đốc các cơ quan xúc tiến đầu tư các nước vùng Caribe, đã tiếp xúc ông Chan và khen ngợi thành công của Singapore. Câu hỏi của vị quan chức Guatemala làm ông Chan khó xử nhưng ông cũng nhanh trí trả lời khéo rằng, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ là Nhật Bản ở châu Á, nên các doanh nghiệp của họ muốn tận dụng lợi thế cạnh tranh Nhật Bản đã hưởng ở châu Á. Thế nhưng vị quan chức Guatemala cảm thấy không thỏa mãn với câu trả lời của ông Chan, nói: “Chi phí nhân công của chúng tôi thấp như Hồng Kông và Singapore. Và năng suất của chúng tôi cũng tương đương”.
Dù xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh trong khu vực,
Singapore vẫn duy trì được thế mạnh trong ngành bán dẫn.
Singapore vẫn duy trì được thế mạnh trong ngành bán dẫn.
Chia sẻ câu chuyện nói trên qua bài viết xuất bản trong quyển sách tập hợp những bài học kinh nghiệm của EDB về thu hút đầu tư nước ngoài vào Singapore, ông Chan tiết lộ thêm vì nguyên tắc xã giao ông đã không thổ lộ hết suy nghĩ của mình với các đại biểu Nam Mỹ. Với ông, doanh nghiệp Mỹ không xem các quốc gia vùng Caribe là nơi có ưu thế cạnh tranh lâu dài.
Hệ thống kinh tế, xã hội và giáo dục của các nước vùng Caribe khi đó không thuận lợi cho cạnh tranh thị trường. Ngoài ra, báo chí truyền thông ở các nước này cũng đầy ắp phát biểu của các chính trị gia Nam Mỹ tố cáo chủ nghĩa tư bản Mỹ bóc lột, trong khi doanh nghiệp Mỹ cảm thấy họ được chào đón khi đến châu Á.
Trong những tuần lễ sau hội nghị ở Miami, ông Chan suy tư nhiều hơn về vai trò của Mỹ cho công cuộc phát triển kinh tế toàn thế giới. Trong chiến lược quan hệ đối ngoại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ luôn hỗ trợ nền kinh tế các nước Mỹ muốn gây ảnh hưởng. Sau khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, thứ trưởng ngoại giao Mỹ George Ball dẫn đầu phái đoàn đầu tư cấp cao sang Hàn Quốc. Còn ngành công nghiệp hóa chất của Đài Loan được hình thành qua dự án có tên gọi Formosa Plastics nhờ vốn đầu tư của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Thậm chí Sony Corporation của Nhật Bản, một trong những công ty thành công nhất thế kỷ 20, cũng khởi sự với cái gật đầu của người Mỹ.
Đó là vào năm 1956, Chính phủ Mỹ mời Masaru Ibuka, đối tác của Akio Morita đến thăm xứ Cờ Hoa. Trong chuyến đi này, ông Ibuka mua được bản quyền bóng bán dẫn (transistor) ở Westinghouse Corporation. Về phía Singapore, ông Chan tin rằng việc các doanh nghiệp Mỹ đầu tư sản xuất sản phẩm bán dẫn (semiconductor) tại Singapore cũng có sự khuyến khích của cả Chính phủ lẫn Bộ quốc phòng Mỹ. Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đồng ý mua sản phẩm bán dẫn do Singapore sản xuất. Đây là điều quan trọng bởi các sản phẩm bán dẫn này chủ yếu bán cho thị trường quân sự của Mỹ trong những năm 1960.
Theo ông Chan, Mỹ đã giúp Singapore xây dựng được những nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa trong những thập niên sau đó. Ngành công nghiệp bán dẫn của Singapore trong những năm 1960 đã phát triển lên ngành điện tử tiêu dùng lớn mạnh trong thập niên 1970, sau đó là ngành sản xuất máy tính (thập niên 1980), rồi ngành thiết bị viễn thông (thập niên 90).
Nhờ đầu tư trong sản xuất chip bán dẫn (wafer fabrication) trong những năm cuối thập niên 1990, công nghệ và năng lực của Singapore trong lĩnh vực này ngày càng vững chắc và mạnh mẽ. Các ngành công nghiệp điện tử và hóa chất là những trụ cột quan trọng cho nền kinh tế các NIC, sau này có cả Trung Quốc. Dưới những biểu hiện khác nhau, 2 ngành công nghiệp này tạo thành tâm điểm cho thế cạnh tranh lâu dài của châu Á.
Cũng theo ông Chan, trong thiên niên kỷ mới, khả năng cạnh tranh của châu Á sẽ gắn liền với những thế mạnh mang tính bổ sung. Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng chi phí thấp trong khu vực. Nhật Bản sẽ là nhà sản xuất kỹ thuật cao (high-tech), chi phí cao (high-cost) về các sản phẩm kỹ thuật mang tính sáng tạo. Thế mạnh của Hàn Quốc là trong ngành công nghiệp từ trung đến nặng như thép, xe hơi, công cụ máy và thiết bị bán dẫn. Đài Loan sẽ duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành vật liệu. Hồng Kông và Singapore sẽ là những trung tâm kinh doanh toàn diện và hiện đại, nơi hiện diện các hoạt động Nghiên cứu và Phát triển (R&D) và các loại dịch vụ kinh doanh để hỗ trợ phát triển cho cả khu vực.
Chẳng bao lâu sau, Trung Quốc, Nhật Bản và 3 nước NIC như Đài Loan, Hồng Kông và Singapore, sẽ thấy có thêm các đối thủ cạnh tranh là Thái Lan, Philippines, Malaysia và Ấn Độ. Indonesia có thể nối bước Trung Quốc và ông Chan tin rằng Singapore có thể duy trì thế cạnh tranh trong việc sản xuất các sản phẩm trung gian và chuyên ngành như thiết bị y tế, thiết bị máy bay, thiết bị đo đạc, bởi lẽ tỷ suất lợi nhuận trong các sản phẩm này cao hơn sản phẩm tiêu dùng.
Trong khi đó các nước Nam Mỹ lại không có những yếu tố bổ sung như đã nói ở trên. Các nền kinh tế lớn như Brazil và Mexico cạnh tranh đối đầu nhau trong ngành công nghiệp nặng. Chile chỉ đơn thuần làm đầu tàu dẫn dắt các nền kinh tế sản xuất nhỏ và công nghiệp nhẹ trong đó có các nước vùng Caribe như Antigua, Bahamas, Costa Rica, El Salvador, Guatelama…
Những nhận định của ông Chan được thể hiện trong bài viết cách đây gần 2 thập niên nhưng vẫn mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh bàn cờ địa chính trị khu vực và toàn cầu đang có những thay đổi sâu sắc và xu hướng chuyển dịch trong cơ cấu và điểm đến đầu tư của Mỹ. Nhưng dù như thế nào đi nữa, ưu tiên hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia (MNC) là sự hiệu quả, họ sẽ đến những nơi họ có được ưu thế cạnh tranh và châu Á vẫn được xem là sự lựa chọn hàng đầu.
Với Singapore, dù xuất hiện nhiều hơn đối thủ cạnh tranh trong khu vực, đảo quốc này vẫn duy trì được thế mạnh trong ngành bán dẫn với 60 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 11% thị phần toàn cầu và đóng góp khoảng 7% cho nền kinh tế. Chiến lược thu hút đầu tư của Singapore nói chung sẽ tiếp tục linh hoạt và uyển chuyển. Nhưng điểm cốt lõi là tạo ra giá trị cộng thêm và bổ sung để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của các MNC và các nhà đầu tư đến từ Mỹ.
Singapore ngày 24-6-2020
-------------------
Singapore ngày 24-6-2020
-------------------