Trước bối cảnh đó, dư luận cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un ra lệnh phóng thử tên lửa mới là nhằm mục đích gia tăng con bài đàm phán và nắm quyền chủ động trong các cuộc đàm phán.
Triều Tiên thử nghiệm loại tên lửa nào?
Triều Tiên tuyên bố loại tên lửa mà nước này vừa phóng thử thành công ngày 14/5 là tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung đất đối đất, có tên Hwasong-12. Tên lửa này đã bay được 787 km sau khi đạt tới tới độ cao tối đa 2.111,5 km.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KNCA) nhấn mạnh: Vụ bắn thử được tiến hành ở góc lớn nhất để không ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng. Mục đích vụ phóng nhằm kiểm tra các thông số về chiến thuật và công nghệ của loại tên lửa đạn đạo mới được phát triển, có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân nặng cỡ lớn".
Ban Tham mưu Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết tuyên bố của Triều Tiên được cho là đúng sự thật, dựa trên những dữ liệu liên quan được Seoul, Washington và Tokyo thu thập và phân tích.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết quả tên lửa của Triều Tiên đạt đến độ cao 2.000 km, bay được 700 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản, gần lãnh thổ của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: vụ phóng tên lửa này không gây nguy hiểm đến Liên bang Nga. Các hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga đã theo dõi đường đi của tên lửa này trong suốt hành trình bay kéo dài 23 phút, cho tới khi nó rơi xuống khu vực trung tâm Biển Nhật Bản, cách lãnh thổ Nga khoảng 500 km.
Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa đạn đạo vừa được Triều Tiên phóng thử chính là mẫu tên lửa nhiên liệu lỏng hai tầng mới đặt trên bệ phóng di động xuất hiện trong lễ duyệt binh quy mô lớn tại Bình Nhưỡng hôm 15/4.
Với việc quả tên lửa này bay được 30 phút trước khi rơi xuống biển cho thấy, tầm bắn của nó xa hơn so với bất cứ loại tên lửa nào khác mà Triều Tiên đã thử trước đây. Điều này chứng tỏ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ nhất định. Đây là bằng chứng cho thấy tên lửa của nước này hoàn toàn có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, dù cho quả tên lửa đạn đạo mới này đánh dấu bước đột phá trong chương trình tên lửa của Triều Tiên, Bình Nhưỡng "vẫn gặp khó khăn lớn về kỹ thuật để đạt tới tầm bắn xuyên lục địa cho tên lửa".
Quân đội Hàn Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng dường như vẫn chưa "làm chủ" được công nghệ then chốt để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục lục địa (ICBM), đó là đưa tên lửa "quay trở lại khí quyển" Trái Đất.
Đâu là mục đích thực sự của Triều Tiên?
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ định các đặc phái viên (Hong Seok-hyun, cựu Chủ tịch, đồng thời là Tổng Giám đốc tập đoàn truyền thông JoongAng, làm đặc phái viên tới Mỹ; cựu Thủ tướng Lee Hae-chan làm đặc phái viên tới Trung Quốc; nghị sỹ Moon Hee-sang và nghị sỹ Song Young-gil làm đặc phái viên tới Nhật Bản và Nga) để truyền tải các thông điệp cá nhân của ông tới các đối tác của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.
Đây là động thái được giới phân tích nhận định có thể ông Moon Jae-in muốn tái khởi động vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đổ vỡ từ năm 2008 sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Do đó, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một động thái để thử chính sách của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người được cho là sẽ khôi phục lại "Chính sách Ánh dương" của cựu Tổng thống Kim Dae-jung - tái khởi động đối thoại và viện trợ kinh tế thay vì gây sức ép và áp đặt cấm vận để thuyết phục Triều Tiên thay đổi.
Hơn nữa, việc Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đang tiến hành tập trận với hải quân Hàn Quốc tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên cũng là động thái "thôi thúc" Triều Tiên thử tên lửa mới. Các nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên thử tên lửa vào đúng dịp này là để khẳng định ý chí không bị khuất phục bởi "áp lực" và "không bị loại khỏi cuộc chơi".
Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim jong-un ra lệnh phóng thử tên lửa mới đúng vào dịp Trung Quốc đón tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao thế giới tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" là nhằm mục đích cảnh báo các nước "chớ làm gì" gây phương hại tới lợi ích của Triều Tiên.
Mỹ, Nhật và Hàn Quốc yêu cầu phiên họp này sau khi Bình Nhưỡng ngày 14.5 phóng một tên lửa.Theo một thông cáo của Nhà Trắng, vụ việc cho thấy “tất cả các quốc gia cần phải thực hiện các biện pháp trừng phạt thực sự mạnh hơn nữa nhắm vào Triều Tiên”.
Sau đó, đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley, nói rằng đã đến lúc nhiều quốc gia “gửi một thông điệp đoàn kết và mạnh mẽ rằng điều này không thể chấp nhận được”, và rằng Mỹ sẽ tiếp tục “gây áp lực” lên Bình Nhưỡng.
Nhật và Hàn Quốc nhanh chóng lên án vụ phóng thử mới nhất của Triều Tiên, coi đó là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực, và vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc, một đồng minh chính của Bình Nhưỡng, kêu gọi kiềm chế, tránh gây căng thẳng thêm trong khu vực, đồng thời phản đối việc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, cũng như với Mỹ sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng này nói rằng ông “hân hạnh” gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “trong hoàn cảnh thích hợp”. Nhưng bà Haley nói rằng “phóng thử tên lửa không phải là cách để đàm phán với tổng thống bởi vì ông chắc chắn sẽ không bao giờ làm vậy”.
Liên Hợp Quốc lần đầu tiên trừng phạt đối với Triều Tiên năm 2006 và đã thắt chặt các biện pháp này sau khi Bình Nhưỡng tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và hai vụ phóng thử tên lửa tầm xa.