Việc làm và lạm phát không thể vui lòng cả hai

(ĐTTCO)- Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10-12, đã chính thức lên ngôi vô địch trong vòng 39 năm qua, khi tăng 6,8% trong vòng 12 tháng. Mặc dù đã có tiên liệu, nhưng con số thực vẫn vượt một số dự báo. 
Tình huống này đã đặt Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vào sự lựa chọn rất khó khăn: vừa tiếp tục ưu tiên việc làm nhưng phải vừa hạ nhiệt lạm phát.
Lạm phát theo CPI
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI tổng thể (CPI, all items index) tháng 11 đã tăng 6,8% trước khi điều chỉnh tính mùa vụ so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất từ tháng 6-1982. Mức tăng này tiếp tục mức tăng từ tháng trước do tăng giá ở các mặt hàng như xăng dầu, nhà ở, thực phẩm, xe đã qua sử dụng.
Nếu tính theo mức tăng từ tháng qua tháng, tháng 11 đã tăng 0,8%, giảm một ít so với mức 0,9% ở tháng trước đó. Có nhiều nhận định cho rằng đây cũng là dấu hiệu quan trọng cho thấy lạm phát ở Mỹ đã vào vùng đỉnh, chuẩn bị cho xu hướng giảm dần trong thời gian tới.
Việc làm và lạm phát không thể vui lòng cả hai ảnh 1 Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Lao động Mỹ
Điều này còn có thêm căn cứ khi Chủ tịch Fed là Jerome Powell, vừa được tái cử nhiệm kỳ 2, đã đưa ra thông điệp sẽ điều chỉnh liều lượng các gói hỗ trợ, mà thị trường dự đoán giảm việc mua trái phiếu mỗi tháng từ 15-30 tỷ USD, và việc tăng lãi suất sẽ thực hiện sớm hơn, có thể bắt đầu từ tháng 5-2022. Đây có lẽ cũng là 2 nội dung quan trọng nhất trong đợt họp sắp tới của Fed vào 2 ngày 14 và 15-12. Thị trường tài chính đang rất ngóng chờ sự kiện này.
Chỉ số CPI khu vực thành thị (CPI-U) đã điều chỉnh tính mùa vụ của Mỹ qua từng tháng, đã tăng liên tục từ tháng 11-2020 đến tháng 6-2021, sau đó giảm ấn tượng trong tháng 7, 8, 9 và bùng phát lại vào tháng 10 và 11. Cụ thể, mức tăng qua từng tháng cao nhất là 0,9% vào tháng 6-2020 và tháng 10-2021, còn mức tăng của tháng 11-2021 là 0,8% so với tháng trước, bằng với tháng 4-2020.
Sở dĩ có sự phân biệt lạm phát theo cách tính nào, bởi ở Mỹ có 2 chỉ số lạm phát là chỉ số CPI do Bộ Lao động tính toán và công bố, chỉ số Chi tiêu cá nhân (PCE) do Bộ Thương mại tính toán và công bố.
Tuy nhiên chỉ số CPI là phổ biến và được quan tâm nhiều hơn, do chỉ số này được dùng để tính toán các quyền lợi an sinh xã hội hay một số công cụ tài chính, như trái phiếu có đảm bảo lạm phát (TIPS). Tuy nhiên, cần lưu ý khi Fed nhắc đến lạm phát mục tiêu, là được hiểu theo chỉ số PCE.
 Thị trường lao động
Cùng với tin lạm phát được đưa ra, mà tin này chưa chắc hoàn toàn xấu nếu đây đúng là vùng đỉnh và lạm phát sẽ hạ nhiệt khi chuỗi cung ứng được nối lại, giá năng lượng đã giảm và khó bùng phát trở lại, thì đó là tin tức khá lạc quan về số thất nghiệp ở Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp công bố tháng 11-2021 là 4,2%, gần sát với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu tối ưu cho tăng trưởng trong dài hạn của kinh tế Mỹ 4%.
Tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp như hiện nay cũng là điều hiếm hoi trong lịch sử nền kinh tế Mỹ. Nếu tính từ năm 1948, số tháng có tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% rất hiếm, chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn đầu thập niên 1950 và cuối 1960, khi kinh tế Mỹ ở giai đoạn thịnh vượng.
Mới đây,  Bộ Lao động Mỹ đã công bố số liệu tuần đầu tháng 12, cho thấy số yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp mới 184.000, thấp nhất trong vòng 52 năm trở lại đây, khi trước đó vào những tháng đầu năm 2021 xoay quanh mức 800.000. Không những thế, số lượng hồ sơ đang yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp theo tháng cũng đang có xu hướng giảm dần, ở mức 2 triệu hồ sơ so với đầu năm 5 triệu hồ sơ.
Tuy nhiên, bức tranh việc làm không hoàn toàn chỉ có gam màu sáng. Một số lĩnh vực như dịch vụ vẫn chưa được trở lại trạng thái trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này đã đẩy chi phí tiền lương tăng, chủ doanh nghiệp vừa khó tìm người, vừa phải bị đội chi phí kinh doanh.
Về phía người lao động cũng không mấy sáng sủa, khi lạm phát tăng. Với phần lớn người lao động phổ thông, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, giá cả các nhóm hàng chính như xăng dầu, xe ô tô cũ, nhà ở, thực phẩm tăng đã bào mòn thu nhập của họ, ngay cả trong trường hợp đã được tăng.
Tính ra, tiền lương thực tế của một bộ phận lao động ở Mỹ bị giảm 9 tháng, tính từ đầu năm đến nay sau khi đã điều chỉnh lạm phát. Nếu so với giai đoạn trước Covid-19, tiền lương thực tế của người lao động có xu hướng bị chững và giảm lại.
Dù sao, với một số tín hiệu khả quan về tỷ lệ thất nghiệp, Fed cũng có đủ công cụ trong tay của mình để thực hiện giảm hỗ trợ nền kinh tế, và lộ trình tăng lãi suất có thể sớm hơn để ứng phó với lạm phát, không để lạm phát kéo dài. Hơn thế nữa, sang năm là bắt đầu nửa nhiệm kỳ sau của Tổng thống Biden, các chính sách sẽ hướng đến người lao động nhiều hơn để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp đến.
Giảm lạm phát, tăng quyền lợi của người lao động, có thể tăng quyền lợi thất nghiệp để chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mục tiêu, là giải pháp khả dĩ cả chính quyền Biden và Fed có thể thỏa hiệp với nhau.
Nếu đà phục hồi kinh tế thế giới như kỳ vọng khi Covid không còn là mối đe dọa lớn, các chính sách sẽ được thực thi dễ dàng và thuận lợi hơn, bởi khi vui vẻ, người dân dễ bỏ qua các mặt trái của chính sách.  
 Với một số tín hiệu khả quan về tỷ lệ thất nghiệp, có đủ công cụ trong tay để thực hiện giảm hỗ trợ nền kinh tế, và lộ trình tăng lãi suất có thể sớm hơn để ứng phó, không để lạm phát kéo dài.

Các tin khác