Cơ hội đang bị bỏ lỡ?
Một bản kiến nghị vừa được 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, gồm AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham và KoCham, đồng gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với mong muốn đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực”, nhằm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Một thông tin đáng chú ý được đưa ra trong bản kiến nghị này, đó là kết quả cuộc khảo sát mà các hiệp hội đã thực hiện cho thấy, có ít nhất 20% thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. Thậm chí, nhiều thành viên của các hiệp hội đã phải có các cuộc gọi mỗi đêm với các trụ sở chính trong khu vực và toàn cầu để quyết định xem khách hàng nên tôn trọng điều gì, từ chối và chuyển đổi sản xuất như thế nào.
“Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác”, 4 hiệp hội cảnh báo và lên tiếng rằng: “Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Đầu tư sẽ không tăng nếu không có kế hoạch rõ ràng để tái mở cửa và phục hồi”.
Theo các hiệp hội, ngay cả các doanh nghiệp hiện tại cũng có hầu hết các kế hoạch đầu tư đang bị trì hoãn, do những bất ổn hiện nay. Các nhà đầu tư tiềm năng mới không thể đến nếu không có các chính sách hợp lý cho việc nhập cảnh của người nước ngoài. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy.
“Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam phải hành động ngay từ bây giờ”, 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn tại Việt Nam đồng bày tỏ quan điểm như vậy.
Hành động ngay từ bây giờ, theo các hiệp hội này, chính là tái mở cửa nền kinh tế một cách an toàn, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi và thiết lập trạng thái “bình thường mới”.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cảnh báo trên được đưa ra. Hồi tháng 8-2021, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, sau khi đưa thông tin rằng, có doanh nghiệp chuyển hợp đồng hơn 100 triệu USD ra khỏi Việt Nam, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã bày tỏ sự lo ngại về việc các doanh nghiệp ngoại sẽ dịch chuyển sản xuất sang nước khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài hai tháng gần đây, cũng đã cho rằng, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm sút.
Chưa kể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng…, cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án hiện hữu và tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Nhà đầu tư có rời đi?
Nguy cơ không phải là không có thật, nhưng trên thực tế, mọi chuyện mới đang dừng ở cảnh báo. Chính ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cũng cho biết, chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam, mà chỉ là chuyển tạm đơn hàng ra nước ngoài.
Trong khi đó, ông Julien Brun, Tổng giám đốc CEL Consulting cho rằng, dù đúng là các nhà máy ở Việt Nam đang bị kẹt cứng, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời. Hơn nữa, vấn đề không chỉ ở Việt Nam, mà các nhà máy ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á cũng đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Trung Quốc là cái tên được nhắc tới, nhưng một cách thẳng thắn, ông Julien Brun cho rằng, sẽ “không doanh nghiệp nào vào thời điểm này lại dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc cả”.
“Các hãng may mặc như Nike hay Adidas cũng sẽ phải chờ đợi”, ông Julien Brun nói và khẳng định: “Không có câu chuyện năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm, trừ khi dịch kéo dài thêm 1-2 năm”.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng ở thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang ở thế khó và không dễ tìm được địa điểm sản xuất an toàn dài hạn mới. Lý do là, cả Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia đều đang gặp khó vì Covid-19, và cũng đang gặp các vấn đề về phục hồi kinh tế.
“Có lẽ các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có một lựa chọn duy nhất: đưa sản xuất quay trở lại Trung Quốc. Thế nhưng, lựa chọn này đi ngược lại chiến lược ‘chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, không muốn phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc’ của chính họ lập ra năm 2020 và họ chỉ vừa mới thực hiện được một phần nhỏ”, ông Đỗ Cao Bảo bày tỏ quan điểm và khẳng định: “Cơ hội của Việt Nam vẫn còn rất lớn”.
Tất nhiên, điều kiện đi kèm phải là chống dịch tốt, tiêm phủ vaccine thật nhanh để có thể nới lỏng giãn cách dần dần, từng bước khôi phục sản xuất - kinh doanh.
Thực tế, thời gian qua, vốn đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam. Có thể kể đến dự án tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display ở Hải Phòng. Trước đó, hồi tháng 2, chính LG Display đã tăng vốn 750 triệu USD.
Trong khi đó, Quảng Ninh vừa đón nhận dự án đầu tư thứ hai của Jinko Solar, vốn đăng ký hơn 365 triệu USD. Trước đó, tại tỉnh này, cuối tháng 3-2021, Jinko Solar cũng đầu tư dự án gần 500 triệu USD.
Quảng Ninh và Hải Phòng là hai địa phương chống dịch Covid-19 rất tốt và theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đấy là một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư vẫn tin tưởng đổ vốn vào đây.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Lê Quang Tuấn, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết, chỉ trong tháng 9-2021, đã có 4 hội nghị xúc tiến đầu tư Đài Loan - Việt Nam được các hiệp hội, đơn vị khác nhau tổ chức. Điều đó cho thấy, điểm đến đầu tư Việt Nam được các doanh nghiệp Đài Loan quan tâm thế nào.
“Với doanh nghiệp Đài Loan, Việt Nam luôn rất ‘hot’. Không có chuyện họ sẽ rút đầu tư khỏi Việt Nam”, ông Tuấn khẳng định.
Tuy vậy, rất rõ ràng, nguy cơ không phải là không có. Thách thức với Việt Nam hiện nay là làm sao giữ chân nhà đầu tư hiện hữu và thu hút thêm được các “đại bàng”. Và có lẽ, một trong những lời giải là sớm mở cửa lại nền kinh tế.