Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành thanh tra tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới. Như vậy là chỉ còn hơn 100 ngày nữa để Việt Nam thực hiện các biện pháp tháo gỡ “thẻ vàng” IUU.”
Các địa phương đang ráo riết khắc phục những tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC để thực hiện mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” trong năm 2023.
100% tàu cá phải đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu
Nhìn lại 5 năm kể từ khi bị EC ra cảnh báo “thẻ vàng” khai thác thủy sản (ngày 23/10/2017), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết trải qua 3 lần thanh tra, EC đã khẳng định quá trình gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam đang đi đúng hướng, cải thiện tích cực nhưng vẫn chưa đạt được những yêu cầu đề ra.
Theo Tổng cục Thủy sản, qua kiểm tra, đến hết năm 2022 đã có 96,35% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); 86,7% tàu cá được cấp phép. Trong thực tế vẫn xảy ra tình trạng tàu đã lắp thiết bị hành trình bị mất kết nối, khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài... Năm 2022, đã phát hiện 157 lượt tàu thân dài từ 24m bị mất kết nối. Chỉ trong tháng 1/2023 đã có tới 6 tàu bị Malaysia bắt giữ.
Đến nay, EC vẫn chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản của Việt Nam và tiếp tục đưa ra nhiều khuyến nghị cần thực hiện. Do đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4."
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết quyết định nêu rõ mục tiêu khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2023.
Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến tháng 5/2023, các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng và phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.
Quyết định nêu rõ phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh; Đảm bảo 100% tài cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo trước 1 giờ khi cập cảng và thực hiện ghi, nộp nhật ký khai thác theo quy định.
Việt Nam đặt mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU trong năm 2023. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
Đặc biệt, Quyết định yêu cầu chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Điều tra, xử lý 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Theo dõi chặt chẽ tàu cá
Ngay khi Quyết định số 81/QĐ-TTg được ban hành, các địa phương đã kịp thời ra kế hoạch và triển khai ngay các biện pháp quyết liệt để chống IUU. Trong đó, các địa phương đang tập trung vào quản lý, giám sát chặt chẽ tàu cá bởi lẽ tỷ lệ tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình đã đạt tới gần 100% nhưng lại xuất hiện tình trạng mất tín hiệu kết nối, thậm chí là gửi thiết bị giám sát.
Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện 28 tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình lên tàu cá khác. Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng bắt quả tang 15 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá Bà Rịa-Vũng Tàu được gửi trên 1 tàu cá tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh đã chỉ đạo công an và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng điều tra, xử lý các vi phạm này. Tỉnh đã lắp đặt thêm 1 trạm tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phối hợp, chỉ đạo theo dõi tất cả tàu cá hoạt động trên biển, đặc biệt các tàu cá trên 15m, phối hợp ngăn chặn, xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU.
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ thành lập các chốt liên ngành trên biển, chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tuần tra, kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ; khắc phục thiếu sót về công tác kiểm tra tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá… quyết tâm cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành khác gỡ thẻ vàng EC vào tháng 6 tới khi Đoàn EC sang kiểm tra.
Tại Kiên Giang, địa phương này có số lượng tàu lớn nhất cả nước 9.800 tàu (chiếm 10% số tàu của cả nước), trong đó có trên 3.800 tàu trên 15m. Tỉnh này cũng đứng đầu về vi phạm khai thác IUU, năm 2022 xảy ra 11 vụ, với 17 tàu và 154 ngư dân bị bắt.
Các địa phương đang tập trung cao điểm các hoạt động giám sát tàu cá. (Ảnh minh hoạ; PV/Vietnam+)
Sau khi được ban hành, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phát hành ngay thư kêu gọi nhân dân, nhất là chủ tàu cá, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn tỉnh, tích cực hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Thư kêu gọi này được Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang in ấn, cung cấp cho các sở, ngành và huyện, thành phố cấp phát đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, phục vụ tuyên truyền chống IUU theo khuyến nghị của EC.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác phòng chống IUU tại địa phương, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết khi Bộ Ngoại giao thông báo có tàu bị bắt khi khai thác ở vùng biển nước ngoài thì địa phương phải điều tra xử lý, thu thập bằng chứng nhưng phía nước bạn không cung cấp, nếu có thì không có bản gốc nên khi ra tòa sẽ rất khó để xử phạt hành chính. Trong 51 tàu vi phạm thì đến thời điểm này, tỉnh chỉ tịch thu được duy nhất 1 tàu.
"Đề nghị các cơ quan trung ương sớm thúc đẩy đàm phán về ranh giới trên biển với một số nước trong khu vực. Quan tâm, đầu tư hỗ trợ các địa phương có cửa biển xây dựng cảng cá đảm bảo việc tiếp nhận sản lượng thủy sản và quản lý việc truy xuất nguồn gốc," ông Lê Quốc Anh đề xuất.
Tại Cà Mau, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đang hoạt động được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, Cà Mau vẫn còn tình trạng tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu kết nối, công tác thống kê sản lượng thủy sản khai thác.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về cơ quan, tổ chức độc lập có chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS. Sớm ban hành quy chuẩn về thiết bị giám sát hành trình; quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản để xử lý.
Còn tại tỉnh Bến Tre, hiện nay, một trong những lý do dẫn đến việc vẫn còn nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là do vùng biển gần bờ Việt Nam đã hết cá, sản lượng, chất lượng đều thấp. Do vậy, tỉnh Bến Tre ủng hộ chủ trương cắt giảm số lượng tàu cá trong thời gian tới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng toàn bộ nội dung của Quyết định số 81/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hành động chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ thẻ vàng khi EC tiến hành thanh tra lần thứ 4 vào tháng 6/2023 tới đã được phản ánh rất kỹ lưỡng, cụ thể, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ, ngành cũng như sự đồng thuận từ các địa phương. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là ở khâu tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh gỡ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ rất quan trọng trước mắt. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tin tưởng sẽ sớm gỡ được “thẻ vàng" trong năm 2023.