Đơn hàng dồn dập tới
Bài báo trên Nikkei Asia cho hay trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 giảm đáng kể tại khu vực Đông Nam Á, chuỗi cung ứng trong khu vực đang chạy đua để phục hồi hoàn toàn sau nhiều tháng ngưng sản xuất và cắt giảm công suất.
Đặc biệt, bài báo nhấn mạnh, riêng Việt Nam đang nhanh chóng trở lại bình thường sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống Covid-19. Có khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại, các nhà máy của các “ông lớn” như Samsung Electronics và Intel tại TP.HCM cũng được hỗ trợ để hoạt động tăng công suất.
“Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam giảm dần, các công ty sản xuất các linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô cũng đang trở lại mạnh mẽ, các nhà sản xuất trên toàn cầu như được trút bỏ gánh nặng”, bài báo nêu.
Hôm qua 10.11, đại diện Công ty Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc. của Nhật Bản, nhà máy đặt tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), cho hay công ty dự kiến hoạt động trở lại hết công suất tại 3 nhà máy ở Việt Nam, các đơn hàng tăng mạnh và công suất tăng hết mức.
Các nhà máy của công ty này có 8.000 lao động, chuyên sản xuất dây dẫn cho ô tô. Nhà máy đang thiếu khoảng 400 - 500 lao động chưa quay lại và phải đăng tuyển dụng liên tục.
“Các dây chuyền của chúng tôi đã trở lại để có thể đáp ứng các yêu cầu từ khách hàng. Ngoài việc tuyển bổ sung số công nhân đang thiếu hụt thì với công suất vận hành của nhà máy hiện tại có thể tuyển gấp đôi số đó, lên đến 900 - 1.000 lao động. Đơn hàng nay đổ về nhiều, chúng tôi tập trung lo tuyển bổ sung lao động để tăng tốc sản xuất”, ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc., cho biết.
Là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tiên tại Đồng Nai hoạt động trở lại từ đầu tháng 10, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom, Đồng Nai) đến nay đã có gần 23.000 công nhân trong tổng số 25.000 người trở lại làm việc. Số lao động còn thiếu hụt do chưa tiêm được vắc xin vì nhiều lý do hoặc thời gian tiêm chưa đủ và lãnh đạo công ty kỳ vọng số này sẽ sớm quay lại công ty.
Theo ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn công ty, các phân xưởng, nhà máy đã bố trí lại sản xuất, đào tạo lại công nhân để phù hợp với quy trình mới. Lượng đơn hàng cuối năm khá nhiều, các đối tác vẫn tiếp tục tin tưởng đặt hàng nên Pousung đã phải tăng ca sản xuất thêm 1 giờ/ngày.
Sau thời gian nghỉ làm vì giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, người lao động quay lại làm việc có tâm lý khá tích cực khiến năng suất cao hơn trước.
Vì vậy “Đơn hàng trong cuối năm, dịp lễ tết đều sẽ kịp tiến độ thực hiện với hoạt động hiện nay. Chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giao nhận hàng hóa cũng như đưa đón công nhân đi lại… đều thông suốt như trước kia, không còn gặp khó khăn nào”, ông Trường nhấn mạnh và khẳng định: “Mọi việc đã thông suốt. Tôi nghĩ rằng việc Chính phủ đưa ra thông điệp thích nghi an toàn với dịch bệnh và các tỉnh thành đã thực hiện thống nhất phương án vừa khôi phục kinh tế vừa đảm bảo phòng chống dịch đã tạo điều kiện thuận lợi để các DN nhanh chóng hồi phục sản xuất”.
Còn theo đại diện Samsung Việt Nam - công ty được nhắc trong bài báo trên Nikkei Asia, mặc dù năm nay có nhiều khó khăn hơn nhưng với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và chính quyền địa phương nên kim ngạch xuất khẩu của công ty từ tháng 1 đến cuối tháng 9 đã tăng trưởng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù không công bố con số chính xác nhưng vị đại diện này nhấn mạnh: “Từ giờ đến cuối năm, nếu hoạt động sản xuất có thể duy trì ổn định như hiện tại thì dự kiến chúng tôi sẽ thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu năm nay”.
Nhiều doanh nghiệp mở rộng đầu tư
Mặc dù Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) vẫn ở mức thấp, nhưng điều quan trọng nhất là chỉ số hiện đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng tích cực. Với việc đại dịch hiện đã được kiểm soát ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các DN châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên. Ông Alain Cany, |
Không chỉ sản xuất phục hồi mạnh mẽ, lĩnh vực dịch vụ cũng đang hồi phục nhanh chóng. Ông Nelson Wu, Tổng giám đốc Tập đoàn BEST Inc. Vietnam (Mỹ), chuyên cung cấp các dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng thông minh toàn cầu, thông tin tập đoàn vừa kịp khánh thành và đưa vào vận hành trung tâm phân loại hàng hóa có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Bắc Ninh.
“Chúng tôi hiểu dịch bệnh là vấn đề của toàn cầu, không phải câu chuyện của Việt Nam. Mặc dù đợt dịch bùng phát trở lại tại Việt Nam năm nay gây tổn thất không ít cho nền kinh tế, song chúng tôi nhìn thấy ở thị trường Việt Nam một cơ hội, tiềm năng phát triển rất lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng vận tải”, ông Wu nói và cho biết thêm đó là lý do tập đoàn này vẫn quyết định chọn Việt Nam làm thị trường đầu tư trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời tin tưởng mọi hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện tích cực trong quý cuối năm nay.
Hiện BEST Express thuộc BEST Inc. là đối tác của nhiều sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... và hàng chục nghìn cá nhân, đơn vị kinh doanh online trên toàn quốc.
Theo ông Nelson Wu, trong tương lai, BEST Inc. sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào công nghệ tự động hóa logistics và xây dựng hệ thống kho bãi thông minh cùng giải pháp chuỗi cung ứng kỹ thuật số, nhằm tối ưu hóa việc kết nối các trung tâm trung chuyển với dịch vụ vận chuyển, mạng lưới dịch vụ đa dạng Việt Nam.
Các DN châu Âu tại Việt Nam cũng lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc. Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) EuroCham quý 3/2021 mới công bố ngày 9.11 do Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện cho thấy, đã có 49% lãnh đạo các DN châu Âu dự đoán triển vọng kinh tế sẽ ổn định và cải thiện trong quý 4/2021, tăng mạnh so với con số chỉ 19% có nhận định này trong quý 2/2021.
Tương tự, tỷ lệ các DN có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý 4/2021 cũng tăng nhẹ 2 điểm phần trăm lên 69% so với quý trước, với dự báo doanh thu cũng tăng.