CBDC có là xu thế?
Nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ. Trong vài năm gần đây, các cơ quan quản lý và NHTW các nước luôn theo dõi và cập nhật tình hình về sự phát triển của tiền KTS, nghiên cứu sự tác động của chúng đến hệ thống thanh toán, sự ổn định tài chính và hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Theo đó, rủi ro có thể xảy ra khi NHTW hoặc nhà nước không kiểm soát được giao dịch thanh toán của tiền KTS. Thực tế trên khiến các NHTW phải xem xét cung cấp tiền KTS cho công chúng.
Các chuyên gia cho rằng, tiền KTS do NHTW phát hành (CBDC) có thể hỗ trợ tốt chính sách tiền tệ, đồng thời cho phép chính phủ và NHTW có thể truy cập thông tin và dữ liệu có liên quan trực tiếp đến thời gian thực. Ngoài ra, hệ thống này có thể xem xét nghĩa vụ và trách nhiệm của NHTW.
Nhóm nghiên cứu Nguyễn Thanh Phúc, Hoàng Minh Trí, đặt vấn đề trong bối cảnh tiền KTS đang phát triển mạnh, liệu các NHTW có nên phát hành đồng tiền số để được sử dụng rộng rãi bởi công chúng hay không; CBDC có những ưu điểm nào so với tiền giấy pháp định và tiền KTS; chính sách tiền tệ trong bối cảnh CBDC được sử dụng rộng rãi sẽ diễn ra theo hướng nào trong tương lai…
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, tiền KTS tiềm ẩn khá nhiều rủi ro như khả năng đầu cơ của loại tiền này, vấn đề kỹ thuật công nghệ và các hoạt động ngầm phi pháp có thể xảy ra. Ngoài ra, các NHTM hoặc trung gian dịch vụ tài chính có thể phải cạnh tranh với các tổ chức cung cấp tiền KTS trong các dịch vụ truyền thống.
Câu hỏi đặt ra là CBDC liệu có được xem là đồng tiền số phù hợp với Việt Nam ở cả khía cạnh pháp lý cũng như thói quen của người tiêu dùng. Người Việt tuy đang từng bước hạn chế thanh toán tiền mặt, nhưng cũng không thích bị “nhòm ngó” ví tiền và chi tiêu. Trong khi nếu chuyển qua CBDC sẽ bị kiểm soát chặt.
Chưa kể dù nói tiền KTS an toàn và bảo mật, nhưng liệu có chắc chắn trong bối cảnh an ninh mạng, tính bảo mật đang bị đe dọa.
Hướng đi nào cho P2P
Hướng đi nào cho P2P
Một chủ đề khác cũng rất được quan tâm là P2P. Dù mới ra đời vào năm 2005 nhưng sản phẩm tài chính này đã có những bước phát triển vượt bậc cả về tính chất lẫn quy mô và khối lượng giao dịch.
Hiện đã có 5 loại hình thức khác nhau của hoạt động P2P. Tính đến cuối năm 2018, lượng vốn cho vay bằng hình thức này đạt khoảng 245 tỷ USD, tăng gần 2.433% so với năm 2013 (chỉ tính riêng trong top 9 thị trường lớn nhất thế giới).
Tại Việt Nam đã có hơn 40 công ty triển khai mô hình P2P nhưng hoạt động hiện vẫn còn khá sơ khai.
Theo TS. Phan Chung Thủy, dù phát triển mạnh nhưng nền tảng P2P cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bằng chứng là thị trường Trung Quốc, một trong những thị trường P2P lớn của thế giới, đã chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt nền tảng P2P. Trước năm 2015, Trung Quốc có tới 6.000 nền tảng P2P, nhưng tới 2018 chỉ còn khoảng 400. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhiều bên khi tham gia hoạt động P2P.
Trong khi đó, về chính sách điều chỉnh hoạt động P2P để không đi vào vết xe đổ của các quốc gia lớn, hiện Việt Nam vẫn chưa có văn bản pháp lý nào. Hầu hết dịch vụ được cung cấp từ các nền tảng trực tuyến P2P chỉ dừng ở tính chất như là dịch vụ tư vấn đầu tư.
TS. Phan Chung Thủy cho rằng, để quản lý hoạt động P2P Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Cụ thể, Chính phủ cần sớm xây dựng hành lang pháp lý, trong đó sớm được ban hành những biện pháp quản lý rủi ro hệ thống và những quy định pháp lý chuẩn áp dụng cho hoạt động P2P.
NHNN cần sớm ban hành các văn bản chính sách quy định hướng dẫn chi tiết cho các tổ chức cung ứng dịch vụ cho vay P2P.
Nhiều ý kiến cho rằng, với dân số đông, số lượng người sử dụng internet lớn, hình thức P2P sẽ phát triển như thế nào ở Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ.
Còn theo TS. Phan Chung Thủy, hiện nay mô hình P2P ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai và chưa thể áp dụng sâu hơn, vì phải tính đến những rủi ro không chỉ về tín dụng mà còn về hoạt động rửa tiền, một thách thức lớn cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam.
Thách thức từ AI
Thách thức từ AI
Trong báo cáo năm 2018 về tương lai ngành ngân hàng, Citibank nhận định tài chính là lĩnh vực đầu tư nhiều nhất cho hoạt động trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy AI sẽ mang đến những thách thức và cơ hội ra sao cho lĩnh vực tài chính.
Theo TS. Lê Hà Diễm Chi, thách thức và cơ hội luôn song hành. Cụ thể, AI khai thác văn bản có thể đọc tất cả tin tức và thông tin có liên quan trong vài giây và đưa ra các dự báo chính xác hơn. Thế nhưng, AI trong khai thác văn bản là mối đe dọa cho các dịch vụ tư vấn truyền thống, nơi chủ yếu dựa trên phân tích chủ quan của người tư vấn.
Bên cạnh đó, sử dụng AI trong đánh giá điểm tín dụng giúp tăng số lượng khách hàng và lợi nhuận. Khách hàng có nhu cầu tín dụng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm tín dụng tốt. Tuy nhiên, ứng dụng AI trong tài chính ngân hàng sẽ làm giảm số lượng lao động trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo “Mô hình BCG về tác động của AI trong thị trường việc làm tài chính năm 2027”, áp dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng sẽ cắt giảm 1,04 triệu việc làm vào năm 2027, giảm 22%. Và sẽ giảm 27% giờ làm việc trong lĩnh vực tài chính vào năm 2027.
“Thật khó để đem lên bàn cân xem thách thức nào lớn nhất. Song quan điểm của tôi nghiêng về khung pháp chế. Theo đó, cần xây dựng khung pháp lý thể chế cho giao dịch thuật toán, nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, đảm bảo an toàn, công khai và minh bạch cho thị trường” - TS. Chi nhấn mạnh.