Việc hủy bỏ Dòng chảy Phương Nam có thể là một nước cờ cao của Tổng thống Putin, nhưng có phải Nga là người chiến thắng chung cuộc. Trong ván cờ này, ngoài Nga và EU là 2 bên tham gia trực tiếp, vẫn còn nhiều bên liên quan gián tiếp. Trong số này, ai được ai mất?
Vỡ mộng Dòng chảy Phương Nam (K1): Nước cờ cao?
Đông Nam Âu
Không nghi ngờ gì việc hủy bỏ dự án Dòng chảy Phương Nam có tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của một số nước Đông Nam Âu. Serbia, Bulgaria, Hungary, Slovenia, Bosnia và Áo hiện đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt từ Nga, với đường ống thông qua Ukraine. Do các cuộc đụng độ giữa Nga và Ukraine, hệ thống trung chuyển này gặp nhiều rủi ro, khiến các nước Đông Nam Âu tìm kiếm một con đường nhập khẩu khác.
Những kết nối mới với Trung và Tây Âu sẽ giúp giảm phụ thuộc vào đường ống Ukraine, nhưng việc xây dựng sẽ mất thời gian và có thể chứng minh không đủ để thay thế dòng khí qua Ukraine nếu có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bulgaria, Serbia, Hungary và Slovenia cũng mất doanh thu trung chuyển lẽ ra kiếm được nếu Dòng chảy Phương Nam đi vào hoạt động.
Hơn nữa, việc hủy bỏ dự án là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch của Italia và Áo muốn trở thành trung tâm khí đốt châu Âu (cả 2 nước đều là điểm kết thúc tiềm năng của các đường ống dẫn). Công ty năng lượng ENI của Italia mất đi một nguồn doanh thu đáng kể, vì công ty con của nó là Saipem đảm trách việc xây dựng các phần ngoài khơi của Dòng chảy Phương Nam tại Biển Đen.
Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc
Ukraine chắc chắn là bên hưởng lợi chính từ việc hủy Dòng chảy Phương Nam. Cho đến khi các đường ống thay thế chưa được xây dựng và châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga, Ukraine tiếp tục là nước trung chuyển quan trọng cho xuất khẩu năng lượng Nga. Đến thời điểm này, 50% hoạt động cung cấp khí đốt Nga sang châu Âu phải đi qua Ukraine.
Kiev sẽ tiếp tục kiếm bộn tiền nhờ phí trung chuyển và có thể yêu cầu mức phí cao hơn nếu Moscow tăng giá khí bán cho Ukraine. Trong mùa đông này, Kiev cũng có thể yêu cầu EU đảm bảo tài chính: sau một thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 10, Brussels sẽ hoạt động như nhà bảo lãnh mua khí đốt cho Ukraine và giúp Kiev đáp ứng dư nợ với công ty nhà nước Nga Gazprom.
Trong khi Italia và Áo bị mất cơ hội trở thành trung tâm khí đốt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp quản vai trò này và sẽ có nâng dần vai trò quan trọng chiến lược đối với an ninh năng lượng châu Âu trong vòng 5 năm tới. Trong thông báo hủy bỏ dự án Dòng chảy Phương Nam, ông Putin cũng tuyên bố Nga sẽ xây dựng một đường ống thay thế có thể vận chuyển 63 tỷ m3 khí đốt/năm đến Thổ Nhĩ Kỳ (tương đương Dòng chảy Phương Nam).
Dự án sẽ nâng cấp các đường ống Blue Stream hiện có (được xây dựng từ năm 2003 nhưng với khả năng vận chuyển thấp hơn). Tuy nhiên, việc xây dựng đường ống dẫn mới này vẫn chưa chắc chắn. Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga để đáp ứng 57% nhu cầu khí đốt trong nước. Đường ống mới sẽ tăng con số này lên 75% - một viễn cảnh có thể không hấp dẫn đối với Ankara. Vấn đề cũng có thể phát sinh trong việc đàm phán về giá khí đốt (đề xuất giảm 6% của Putin có thể không đủ cho các nhà đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ) và từ những bất đồng địa chính trị giữa Moscow và Ankara (đặc biệt đối với Syria và Síp).
Tuy nhiên, nếu lợi ích kinh doanh và thái độ chỉ trích phương Tây chiếm ưu thế, Putin và Erdogan có thể đạt được một thỏa thuận. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ là một nước trung chuyển khí đốt Azeri sang EU qua đường ống Trans Anatolian (TANAP), dự kiến đi vào hoạt động năm 2018, Brussels có thể sớm phát hiện bị phụ thuộc vào cả Ankara và Moscow để bảo đảm an ninh năng lượng.
Mặc dù nằm rất xa “đấu trường năng lượng” châu Âu, Trung Quốc cũng có thể được hưởng lợi từ việc hủy Dòng chảy Phương Nam. Dự án đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn khiến Gazprom không chắc đủ tiền để vừa thực hiện dự án này vừa xây dựng đường ống khí đốt từ Siberia sang Trung Quốc. Nay, với việc hủy dự án Phương Nam, Gazprom có thể tập trung nguồn lực vào việc thực hiện các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc hồi tháng trước (xem Kỳ 1).
Mèo nào cắn mỉu nào?
Cho đến nay, vẫn khó nói Nga hay EU bên nào sẽ được hay mất nhiều hơn từ việc hủy Dòng chảy Phương Nam. Như đã nói ở Kỳ 1, có vẻ quyết định dừng dự án là một lựa chọn đúng của Moscow trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đúng chưa hẳn sẽ mang lại thế thượng phong. Trước hết, về mặt uy tín chính trị, Dòng chảy Phương Nam từ trước đến nay đều được xem như một sản phẩm trí tuệ của Moscow. Việc hủy dự án vì thế sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Điện Kremlin.
Ngoài ra, Gazprom đã mất đi một cơ hội để tăng cường hơn nữa vị thế độc tôn trên thị trường năng lượng EU. Tuy nhiên, xét trên góc cạnh kinh tế, việc xây dựng Dòng chảy Phương Nam có vẻ không phù hợp trong bối cảnh nhu cầu khí đốt của châu Âu đang suy giảm và giá xăng thấp. Dòng chảy Phương Nam chủ yếu là một dự án chính trị và đã đạt được một trong những mục tiêu chính trị quan trọng của nó: bóp chết dự án Nabucco và kéo dài sự phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga.
Hơn nữa, quyết định của ông Putin để chuyển hướng về xuất khẩu khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ có thể có một chức năng chính trị tương tự: đường ống Nga-Thổ có thể cạnh tranh với TANAP. Để theo đuổi mục tiêu này, Moscow đã gây áp lực Turkmenistan không cung cấp khí đốt cho TANAP (nguồn cung cấp khí đốt Azeri có giới hạn và nhờ vào khí đốt của Turkmenistan để tăng hiệu quả kinh tế).
Sơ đồ các đường ống khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đối với EU, việc hủy bỏ Dòng chảy Phương Nam đồng nghĩa khu vực này tiếp tục phụ thuộc vào đường ống Ukraine để tiếp cận nguồn khí đốt Nga, mà đường ống này có rủi ro cao do ảnh hưởng từ quan hệ giữa Moscow và Kiev.
Nếu những xung đột mới làm gián đoạn dòng chảy khí đốt, hoặc nếu Ukraine không thể trả tiền nhập khẩu khí đốt từ Nga, EU sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm trung gian và rất có thể phải cấp ngân sách cho việc tiêu thụ khí đốt của Kiev.
Mặt khác, việc hủy bỏ Dòng chảy Phương Nam có thể có những tác động tích cực đối với EU nếu nó khiến các nhà lãnh đạo khu vực này phải xem xét lại chính sách năng lượng trên quy mô lớn. Những chính sách nhằm giảm tỷ trọng của tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu năng lượng EU (không phân biệt nước xuất xứ) sẽ làm cho khu vực này ít phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Brussels có vẻ không quan tâm lắm đến những mục tiêu này, thể hiện qua việc đề ra những mục tiêu rất khiêm tốn trong khung chính sách khí hậu và năng lượng đến năm 2030. Thay vào đó, nhiều nước EU tiếp tục tập trung vào các dự án không ổn định, tốn kém và ô nhiễm, như việc khai thác khí đá phiến hoặc thúc đẩy ngành công nghiệp than.