Mở room trong bối cảnh tín dụng tăng quá chậm, liệu nền kinh tế có hấp thụ được nguồn vốn này không? Và vốn sẽ chảy vào đâu là câu chuyện được chú ý sau động thái này.
Tín dụng mắc kẹt
Nửa đầu năm 2023, NHNN giảm 4 lần lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu giảm tổng cộng 1,5%/năm, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã giảm 1,25%/năm.
NHNN cũng ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay. Nhưng đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Một số NHTM cũng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý II-2023, diễn biến tín dụng không nằm ngoài xu thế chung. Đánh giá về vấn đề này, CTCP Dữ liệu Kinh tế Việt Nam (Vietdata) nhận định, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khá yếu.
Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh và giải thể trong nửa đầu năm 2023 tăng cao, triển vọng kinh tế ảm đạm khiến nhiều DN chưa dám đầu tư mở rộng. DN thật sự cần vốn thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn hồ sơ vay vốn; nhu cầu vay cá nhân mua ô tô, bất động sản cũng sụt giảm mạnh…
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, tín dụng chậm tiến, buộc Chính phủ đặt ra nhiều yêu cầu hơn với NHNN. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ liên tục yêu cầu NHNN có biện pháp để kéo giảm lãi vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn.
Mới giữa năm, Chính phủ đã yêu cầu NHNN xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý cho cả năm và phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6-2023 để các TCTD chủ động mở rộng tín dụng hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Nền kinh tế có hấp thụ được dòng vốn?
Có thể thấy, năm nay NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ khá mạnh để thực hiện yêu cầu đẩy vốn phục hồi nền kinh tế. Vậy liệu DN có hấp thụ được dư địa này hay không?
Trong bản tin kinh tế tháng 7-2023, các chuyên gia của Vietdata nhận định về triển vọng 6 tháng cuối năm, theo đó áp lực lạm phát và tỷ giá vẫn hiện hữu nhưng không còn quá đáng ngại. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc một chút nhờ các chính sách hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản/trái phiếu của Chính phủ.
Lãi suất đang giảm dần và xuất khẩu có thể tăng nhẹ so với nửa đầu năm. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn sẽ khó có đột phá nào trong tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, do kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn từ lĩnh vực xuất khẩu.
Trong khi đó, với các số liệu tổng cầu nhập khẩu của các thị trường EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chưa cho thấy chuyển biến nào đáng kể. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường Trung Quốc không như kỳ vọng. Kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng, nên khả năng xuất khẩu sang thị trường này cũng khó có khả năng bứt phá trong nửa cuối năm.
Điều này cho thấy các DN sản xuất vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Vậy NHNN mở toang room tín dụng cho các NH, liệu DN có tiếp cận được vốn vay, khi mà từ đầu năm đến nay nhiều NH vẫn nói đang “đỏ mắt” tìm khách vay, “đốt đuốc” tìm DN tốt?
Xem lại thời gian qua, nền kinh tế khó khăn, các nhà băng cho vay với nguyên tắc phòng thủ. DN tốt được cho vay lãi suất ưu đãi rất thấp, DN có rủi ro phải chấp nhận lãi suất cao, DN quá rủi ro không được vay. Cụ thể, theo phản ánh của nhiều DN, ở thời điểm hiện tại, lãi suất ngắn hạn của các NHTM có vốn nhà nước khoảng 6,8%/năm, tại NHTMCP từ 7,7-8%/năm, và lãi vay trung và dài hạn vẫn “neo” ở mức 10-11%/năm. Nếu có rủi ro, lãi suất có thể nhỉnh hơn.
Dòng vốn rẻ bơm có chọn lọc như vậy thì các DN sản xuất phải vay với lãi suất cao, vì họ chủ yếu là nhóm vừa và nhỏ. Và nếu cứ vin vào lý do rủi ro cao áp lãi cao theo nguyên tắc nói trên trong bối cảnh khó khăn bủa vây tứ phía, DN cũng sẽ giảm dần động lực vay vốn vì kinh doanh chỉ để trả lãi NH.
Trong khi đó, các gói vay như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, gói 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội vướng mắc đủ đường. Tín dụng liệu có tăng như mong đợi của cơ quan quản lý?
Ai sẽ hưởng lợi?
Giữa bối cảnh như vậy, nhìn lại Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu NH giai đoạn 2013-2017 cho thấy, nhiều NH đã từng sai phạm khi cho vay vô tội vạ trong quá khứ.
Đơn cử, BacABank cho hàng loạt công ty “họ TH” vay khi chưa đủ điều kiện về khả thi, hiệu quả của dự án hay điều kiện có khả năng tài chính để trả nợ, thậm chí trong đó có một số khách hàng được vay vốn dù âm vốn chủ sở hữu. Hay VietABank đã cho vay sai mục đích, không đủ điều kiện thực hiện dự án, phân loại nợ sai đối với một số DN…
Dĩ nhiên các trường hợp trên đã và đang được khắc phục, tuy nhiên cũng là một kinh nghiệm để dè chừng.
Vì khi đa số DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn do lãi suất còn cao, thì NHNN giảm mạnh lãi suất điều hành, gần như mở toang hạn mức tín dụng cho cả năm, thì sẽ không loại trừ một vài nhà băng bằng cách này hay cách khác tìm cách đẩy vốn vào các DN sân sau, DN thân hữu.
Như ĐTTC đã có nhiều bài phân tích, hình thức sở hữu chéo của các giới chủ NH hiện nay rất tinh vi, khó phát hiện, cũng như có nhiều bóng dáng đại gia bất động sản phía sau NH. Quan sát thời gian qua cho thấy, tín dụng tăng thấp nhưng các NH vẫn tích cực huy động vốn, lãi suất cao nhất của đa số NHTMCP vẫn giữ ở mức 7-8%/năm và kết thúc quý II đang có một số NH huy động cao gấp đôi cho vay.
Điều này cho thấy, nhiều nhà băng vẫn rất cần vốn.
Cơ quan quản lý cần có những giải pháp để khai thông cơ chế cho vay đối với các DN sản xuất kinh doanh. Còn room tín dụng mở ra, lãi suất giảm xuống, mà vốn không bơm vào nền kinh tế, chảy sang lĩnh vực rủi ro hay DN sân sau thì càng làm kiệt quệ nền kinh tế.