Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được khoảng 291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 6,02 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; thu hút được khoảng 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%; có khoảng 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Luỹ kế đến cuối tháng 5/2021, có 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới/mở rộng/phân khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng số lượng các khu công nghiệp đã thành lập lên 394 khu công nghiệp (bao gồm 351 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 35 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn hécta; trong đó, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 80,9 nghìn hécta, chiếm khoảng 66,4% diện tích đất tự nhiên.
Trong số 394 khu công nghiệp đã được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86 nghìn hécta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn hécta và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn hécta, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,6 nghìn hécta.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt khoảng 42,9 nghìn hécta, đạt tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt khoảng 53%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 71,8%.
Các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
Tính đến cuối tháng 5/2021, có 256/286 khu công nghiệp đang hoạt động (đạt tỷ lệ 89,5%) có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn môi trường với tổng công suất tối đa đạt trên 1,2 triệu m3nước thải/ngày đêm.
Để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ tiến bộ và không ngừng nâng cao trình độ công nghệ.
Trước hết, rà soát các tiêu chuẩn, yêu cầu về công nghệ, chất lượng sản phẩm, yêu cầu thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường để phát hiện các công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu, từ đó giám sát doanh nghiệp thay thế những công nghệ mới bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, thúc đẩy doanh nghiệp liên kết kinh tế, chủ động tổ chức các chuỗi cung ứng, ưu tiên cho các chuỗi cung ứng trong nội bộ khu công nghiệp và trong tỉnh.
Để kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Bộ cũng lưu ý những người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thực hiện nghiêm việc ban hành hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; phòng dịch trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và các văn bản có liên quan.