ĐTTC trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này tín dụng xanh (TDX) và trái phiếu xanh (TPX).
PHÓNG VIÊN: - Vậy với góc nhìn của ông, đâu là những việc cần làm để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đề ra?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Để đạt tới mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh cần thực hiện 5 vấn đề: (1) giảm khí thải carbon từ hoạt động sản xuất công nghiệp, hệ thống phương tiện giao thông; (2) xử lý rác thải và chất thải từ công nghiệp và sinh hoạt người dân; (3) bảo vệ môi trường bao gồm đất liền, mặt biển, không trung; (4) ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu; (5) tạo môi trường sống an toàn, vệ sinh, bảo đảm chất lượng cuộc sống của con người.
Có một số những mô hình giúp chúng ta cải thiện được môi trường sống. Đầu tiên là áp dụng mô hình đô thị hóa, nhằm xóa những khu vực ô nhiễm, tạo ra môi trường sống lành mạnh. Đồng thời, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, những sản phẩm cuối của quá trình này sẽ trở thành sản phẩm đầu vào của quá trình khác, để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Đặc biệt, Việt Nam có đặc điểm là công nghiệp và nông nghiệp chiếm 70% tài nguyên về con người, tài nguyên về thiên nhiên, đất đai. Nhưng 2 ngành này có các vấn đề lớn trong xử lý rác thải. Theo đó, cần có các quy định về bảo vệ môi trường và yêu cầu tuân thủ, thực hiện nghiêm túc, cũng như áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tránh đẩy rác thải ra ngoài thiên nhiên.
Thực tế hiện nay, các DNNVV hạn chế về tài chính nên chưa quan tâm nhiều đến xử lý rác thải bảo vệ môi trường, nên Nhà nước cần có giải pháp để hỗ trợ họ. Bên cạnh đó, nên thay thế thủy điện bằng nguồn năng lượng khác, như năng lượng mặt trời, gió để cung cấp điện, tránh phá rừng ảnh hưởng lá phổi của trái đất.
- Vài năm gần đây, TDX, TPX đang được nhắc đến khá nhiều. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội phát triển kênh vốn này để DN chuyển đổi xanh góp phần tạo ra nền kinh tế xanh?
- Cấp TDX hiện vẫn là điều mới mẻ cho các NH, nên nguồn vốn này hiện chưa lớn vì mới có vài NH áp dụng. Tương tự, TPX cũng mới được đề cập đến vài năm nay và có rất ít trái phiếu được phát hành. Bởi những nguồn vốn đầu tư vào TPX còn rất hạn chế, nhà đầu tư cá nhân, DN chưa mặn mà. Đặc biệt, khi phát hành trái phiếu, một trong những vấn đề quan trọng là phải thuyết minh được nguồn trả nợ.
Thông thường, trái phiếu để tài trợ những dự án về năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió là những dự án cần thời gian rất dài để có thu nhập trả nợ. Hơn nữa, các dự án đó đầy rủi ro. Chính vì thế, các NH cũng không mặn mà mua những TPX và giới đầu tư cũng vậy.
Hiện một số công ty xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam đã có những chương trình để xếp hạng tín nhiệm cho TPX. Thế nhưng, TPX thực sự cũng vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khởi. Tôi chưa thấy có TPX nào sẽ đi vào thực hiện sắp tới đây, nên mong Chính phủ sẽ tìm cách đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, TPX cho những dự án sử dụng năng lượng mặt trời, gió hoặc là những năng lượng xanh và các dự án sản xuất những trang thiết bị hỗ trợ cho các dự án năng lượng đó.
- NH Thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) hay NH Phát triển châu Á (ADB) và nhiều NH nước ngoài khác có quỹ tài trợ cho TDX, và một số NH trong nước đã tiếp cận được. Theo ông cần giải pháp gì để thu hút mạnh hơn nguồn vốn đó để đẩy mạnh TDX trong tương lai?
- Đúng là hiện có nhiều quỹ để hỗ trợ TDX, tài trợ những dự án xanh, bảo vệ môi trường, chúng ta cần tiếp cận nguồn vốn đó. Và để hút dòng vốn này phải bắt đầu từ sự thay đổi những thành phần kinh tế. Những nhà sản xuất năng lượng và các NH phải có các chương trình xây dựng TDX và tài trợ TDX để tiếp cận đến nguồn đầu tư cho TDX trên thế giới. Nếu chỉ ngồi yên, dĩ nhiên họ sẽ không đến với mình.
Muốn vậy, các nhà sản xuất năng lượng, nhà cung cấp trang thiết bị phải có kế hoạch khả thi để các NH hỗ trợ họ. Những chương trình này có thể phải cần nguồn vốn rất lớn và rất lâu dài, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Chẳng hạn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế, nhằm giúp DN có nhiều cơ hội tiếp cận những quỹ đầu tư xanh, TDX.
- Được biết, nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam đang rất quan tâm đến xanh hóa hoạt động. Tuy nhiên như ông nói, những DNNVV chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này. Vậy có giải pháp nào để họ quan tâm hơn?
- Giúp DNNVV chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ truyền thống sang phát triển xanh là vấn đề quan trọng. Vì vậy, ngoài việc kêu gọi, Chính phủ cần sử dụng những biện pháp về thuế. Một trong các biện pháp có thể áp dụng là sử dụng tín chỉ thuế trong việc mua bán máy móc trang thiết bị, hoặc các nguyên vật liệu liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Thí dụ, nếu DN cần mua một dàn năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà với giá 10.000USD. Chính phủ cần cho phép số tiền đó được nhập vào chi phí hoạt động, để DN chỉ phải đóng thuế ở mức lợi nhuận sau khi doanh thu đã trừ cả khoản tiền mua dụng cụ này. Áp dụng tín chỉ thuế như vậy phổ biến ở Mỹ, nhưng tùy từng tiểu bang họ sẽ áp dụng các tín chỉ thuế khác nhau. Cũng có những tiểu bang chỉ áp dụng tín chỉ thuế đối với 30% chi phí của dụng cụ đó. Việt Nam có thể xem xét áp dụng những quy định như vậy.
Với các DNNVV, theo tôi để chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất xanh, áp dụng kỹ thuật số là điểm then chốt. Công nghệ số, kỹ thuật số sẽ làm giảm thiểu rất nhiều chi phí cũng như nhân lực. Từ đó, sản xuất sẽ hiệu quả hơn và ít tốn chi phí về năng lượng và sản xuất cũng sạch hơn. Đồng thời, DN cần quan tâm hơn đến mô hình kinh tế tuần hoàn để góp phần tạo nên nền kinh tế tăng trưởng xanh.
- Xin cảm ơn ông.
Để huy động nguồn vốn từ 2 kênh tài chính TDX, TPX, đòi hỏi các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu TDX, TPX, tuân theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.