Vốn rẻ, điều kiện giảm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, ông NGUYỄN NGỌC LUẬN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại toàn Cầu (thương hiệu cà phê nông sản Meet More), cho rằng nỗi lo lớn nhất của DN vẫn là thiếu vốn.

Vốn rẻ, điều kiện giảm, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận

PHÓNG VIÊN: - Tất bật ngay từ ngày đầu tiên đi làm sau Tết Nguyên đán, 2024 hẳn là một năm nhiều thuận lợi cho Meet More, thưa ông?

Ông NGUYỄN NGỌC LUẬN: - Ngay ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi đã tất bật đưa hàng ra cảng để thẳng tiến sang thị trường Australia. Ngoài ra, Meet More cũng có những đơn hàng sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Mỹ và cũng đang bắt đầu tiến sâu hơn vào thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Có được kết quả này là cả quá trình kiên trì trong suốt thời gian qua. Thị trường càng khó chúng tôi càng phải nỗ lực đi nhiều hơn, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tại nhiều quốc gia. Thời điểm này chúng tôi vẫn tiếp tục đi “bán dạo” tại nhiều thị trường khác nữa, với hy vọng sẽ chinh phục thêm nhiều khách hàng mới trong năm nay.

img-0083-2756.jpeg
Ông Nguyễn Ngọc Luận đang giới thiệu sản phẩm với khách tại Melbourne (Úc)

Tuy nhiên, hàng xuất đi liên tục cũng không phải chỉ có thuận lợi, chúng tôi cũng gặp không ít thách thức. Trước hết về nguyên liệu đầu vào, thời gian qua chúng ta liên tục nghe thông tin giá cà phê tăng cao, giá cà phê lập đỉnh, đây là tin vui với những người trồng cà phê, nhưng với những DN làm chế biến sâu nông sản như Meet More lại là khó khăn.

Vì hợp đồng chúng tôi đã đàm phán và ký kết cả vài tháng trước, giờ giá nguyên liệu liên tục tăng cao thì rất khó đàm phán lại giá với đối tác. Các chiến lược giá dài hơi cũng khó đưa ra trong bối cảnh hiện nay.

Phía ngân hàng nên cân nhắc cởi mở hơn trong các điều khoản để hai bên cùng “win - win”. Vì nếu không tiếp cận được thì dù lãi suất có giảm cũng không tác động gì tới DN.

Đó là ở mảng đầu vào, còn ở đầu ra là các thị trường xuất khẩu cũng không ít thách thức, mà một trong số đó là nỗi ám ảnh thương hiệu bị lấy mất. Một vấn đề tưởng không mới nhưng lại chưa khi nào cũ với các DN xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Năm 2018, cà phê Meet More xuất khẩu sang Hàn Quốc, khi đăng ký bản quyền thì gặp sự cố. Theo đó, bản quyền thương hiệu sản phẩm bị nhà chức trách nước bạn từ chối do đã có đơn vị khác đăng ký. Chúng tôi tìm hiểu thì do đơn vị phân phối cà phê của chúng tôi ở thị trường Hàn Quốc đã nộp đơn trước.

Ngay thời điểm đó, chúng tôi phải nộp đơn xác định nguồn gốc cà phê, thương hiệu là của chúng tôi, còn họ chỉ là người mua hàng và phân phối. Chính phủ Hàn Quốc nhận đơn và chúng tôi cũng phải làm việc lại với đối tác của mình để họ tự rút đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.

Năm 2022, khi chúng tôi đăng ký thương hiệu Meet More tại thị trường Trung Quốc, cũng bị một DN sở tại cùng nộp đơn xin bảo hộ thương hiệu Meet More trước đó vài tháng. Sau nhiều nỗ lực, kết quả ngày hôm nay Meet More đã chính thức được bảo hộ tại thị trường Trung Quốc sau thị trường Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Châu Âu, Nga.

- Không chỉ xuất khẩu sản phẩm cà phê nông sản, được biết mới đây Meet More còn nhượng quyền thương hiệu chuỗi cửa hàng tại Hàn Quốc. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?

- Tôi xin được kể lại hành trình của mình nhằm gia tăng giá trị thương hiệu. Ban đầu chúng tôi sẽ xuất khẩu các sản phẩm cà phê nông sản do mình sản xuất sang thị trường Hàn Quốc. Sau khi chinh phục được người tiêu dùng ở đây bằng chất lượng, khẳng định được thương hiệu, tạo ra gu tiêu dùng mới, chúng tôi quyết định sẽ mở các chuỗi cửa hàng cà phê mang thương hiệu Meet More để gia tăng giá trị cho thương hiệu. Nhưng thay vì tự mở, chúng tôi đã tìm được đối tác nhượng quyền mở chuỗi ở xứ kim chi.

Theo kế hoạch, sẽ có 5 cửa hàng được mở trong năm 2024 này. Đây là một khởi đầu thuận lợi cho hành trình tiếp theo ở nhiều thị trường khác của Meet More. Chúng tôi tự hào khi gia tăng giá trị cho nông sản Việt và khai thác được giá trị thương hiệu ở nhiều góc khác nhau. Tất nhiên mọi con đường đều có thử thách, những bước đi ban đầu có thể chậm nhưng vượt qua thử thách DN sẽ nắm được cơ hội và bước đi nhanh hơn.

- Nhiều tín hiệu tích cực cho mảng xuất khẩu hẳn Meet More cũng cần thêm vốn cho sản xuất. Trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng dồi dào và lãi suất cũng từng bước giảm như hiện nay, có phải là thuận lợi cho DN?

- Đúng là chúng tôi đang cần vốn để đầu tư hơn nữa vào khâu sản xuất phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Thực tế không chỉ chúng tôi mà không ít DN có đơn hàng trở lại cũng cần vốn. Thời điểm này khi nguồn vốn tại các ngân hàng dồi dào và lãi suất như giới thiệu là đang giảm dần, chính là điều kiện thuận lợi để ngân hàng và DN tiếp cận nhau dễ hơn.

Tuy nhiên, DN có vay được vốn hay không vẫn còn là chuyện phải bàn. Bởi các ngân hàng luôn có các điều kiện và điều khoản chặt chẽ và DN muốn vay được phải chấp nhận tuân thủ. Song theo tôi, phía ngân hàng nên cân nhắc cởi mở hơn trong các điều khoản để hai bên cùng “win - win”. Vì nếu không tiếp cận được thì dù lãi suất có giảm cũng không tác động gì tới DN.

Lâu nay các DN vẫn chủ động tìm đến ngân hàng, nhưng quyền quyết định phần lớn vẫn nằm ở bên cho vay. Cũng nói rộng ra một chút về câu chuyện tiếp cận vốn. Thực tế thời điểm này không ít DN vẫn chưa có đầu ra cho sản phẩm, nên cũng không quá mặn mà với việc tiếp cận vốn, kể cả nguồn vốn rẻ.

Trải qua một năm 2023 nhiều khó khăn, nay tình hình tiêu thụ chưa cải thiện, sức khỏe của DN cũng yếu đi không ít. Nói ví von DN như cơ thể người, nếu khi bệnh quá có đưa thuốc bổ vào cũng khó cứu.

Vì thế, theo tôi, các chính sách của Nhà nước hay các chương trình giảm lãi suất của các ngân hàng để có thể tác động vào DN, cần đúng thời điểm và cần cởi mở hơn, như vậy mới thúc đẩy DN vay vốn đầu tư, từ đó từng bước vực dậy được DN.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác