Theo VPBankS, tính đến hết quý II, lợi nhuận trước thuế toàn ngành đạt 148.171 tỷ đồng (tăng 16%). Tuy nhiên, chỉ có 13/27 ngân hàng đạt 50% trở lên trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2024.
Dù vậy, VPBankS vẫn kỳ vọng lợi nhuận trước thuế toàn ngành cả năm 2024 vẫn đạt được mức dự phóng với các động lực thúc đẩy tín dụng từ thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản KCN và tiêu dùng đi kèm nền lãi suất huy động vẫn ở mặt bằng thấp, hỗ trợ cho tỷ suất lợi nhuận thuần (NIM).
Trong đó, các ngân hàng bán lẻ có công ty tài chính tiêu dùng đạt mức phục hồi tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) đáng kể như: HDB (tăng 56%), VPB (tăng 42%); các ngân hàng bán buôn ghi nhận mức phục hồi vượt trội hơn như: TCB (tăng 51%), LPB (tăng 49%).
Các ngân hàng này có điểm chung đều là ngân hàng tư nhân, có tăng trưởng tín dụng vượt trội so với trung bình ngành như: LPB (tăng 15,2%), TCB (tăng 12,9%), HDB (tăng 12,6%), VPB (tăng 7,7%). Riêng ACB tăng trưởng tín dụng nằm trong Top 3 ngành (tăng 12,8%), nhưng do NIM giảm nên tăng trưởng NII chưa bằng các ngân hàng cùng quy mô khác.
Về NIM, VPBankS cũng ghi nhận môi trường kinh doanh ngành ngân hàng đã trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều khi mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm, dẫn đến 20/27 ngân hàng giảm NIM, dù chi phí vốn lưu động (COF) được hỗ trợ rất nhiều do mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy ở quý I.
NIM toàn ngành ở quý II vẫn tăng 2 điểm cơ bản, nhưng vẫn chưa về mức của cùng kỳ. Dù vậy, VPBankS vẫn kỳ vọng mức NIM toàn ngành về mức 3,75% ở cuối 2024, tương đương mức quý II-2023.
Theo VPBankS, các ngân hàng quốc doanh sẽ tích cực hơn trong việc đẩy mạnh tín dụng bán lẻ do các ngân hàng quốc doanh có thể mất thị phần nhanh hơn về tay các ngân hàng tư nhân nếu không tham gia kịp thời thị trường bán lẻ.
Với Bancassurance, các ngân hàng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mảng bảo hiểm nhân thọ trước khi Thông tư 34/2024/TT-NHNN được ban hành. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng tư nhân lớn đã có chiến lược đa dạng hóa nguồn thu này qua việc đẩy mạnh sản phẩm thẻ tín dụng và các sản phẩm thanh toán khác. Đơn cử, TCB đạt mức tăng trưởng về phí (NFI) lên đến 17% hay BID đạt 14%.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tiếp tục tăng lên mức 2,22%. Nợ xấu toàn ngành tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng điểm tín dụng (CIC) toàn hệ thống ở khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ - vừa. Đi cùng với việc thu hồi nợ xấu chưa quá tích cực trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại do mặt bằng giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập người dân.
Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2024, chỉ có 12/27 ngân hàng có diễn biến giá giao dịch vượt trội hơn so với VN Index. Trong đó, tăng trưởng cao nhất thuộc về các ngân hàng tư nhân như: LPB (tăng 81%), TCB (tăng 37,25%), HDB (tăng 30,05%), MBB (tăng 28,22%).
Về định giá, theo VPBankS, chỉ có 5/27 ngân hàng có P/B cao hơn P/B ngành (1,6x) là BID (2,04x), LPB (1,89x), PGB (1,62x), SSB (1,65x), VCB (2,7x).
Từ thống kê và phân tích trên, VPBankS khuyến nghị nhóm cổ phiếu nhà băng theo 3 xu hướng. Xu hướng đầu tư dài hạn, ổn định, cổ tức cao là VCB, VPB; xu hướng đầu tư trung hòa giữa ổn định và tăng trưởng là các mã BID, CTG, MBB, HDB; xu hướng đầu tư tăng trưởng là BVB, NAB.