Lùm xùm dự án “lấp sông” Đồng Nai?
Tháng 3-2015, khi CTCP Đầu tư - Thiết kế - Xây dựng Toàn Thịnh Phát (chủ đầu tư) triển khai thi công Dự án (DA) “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, tạo mối quan tâm của người dân và công luận bởi có tác động lớn đến đời sống của gần 20 triệu dân thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Sau khi chủ đầu tư thực hiện việc dùng đất đá “lấp sông” đạt khoảng 90% khối lượng thì các cơ quan thông tấn, báo chí đã vào cuộc, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong thực hiện DA.
Các sai phạm khi thực hiện DA “lấp sông” Đồng Nai là chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2014, vi phạm Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và Luật Giao thông đường thủy năm 2014. Ngoài ra, đất đá được chủ đầu tư dùng để lấp sông có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến sức khỏe của hàng triệu người dân sống tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), TPHCM và 6 tỉnh vùng hạ lưu sông Đồng Nai.
Trong các sai phạm trên, dư luận đặt vấn đề là tại sao với những thiếu sót rành rành trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn chấp nhận để chủ đầu tư thực hiện DA?
Bà Phan Thị Mỹ Thanh, với vai trò là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp ký Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và Quyết định chấp thuận đầu tư DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa. Theo Quyết định phê duyệt tỷ lệ 1/500 số 2923/QĐ-UBND ngày 13-9-2013 do bà Phan Thị Mỹ Thanh ký, quy mô DA hơn 15ha; có phạm vi ranh giới phía Bắc giáp đường Cách mạng tháng Tám; phía Nam giáp sông Đồng Nai; phía Đông giáp cầu Rạch Cát; phía Tây giáp đường Nguyễn Thái Học; khu vực cải tạo là gần 4,8ha; khu vực phát triển mới là gần 10,3ha.
Tính chất khu quy hoạch là khu đô thị hỗn hợp, gồm khu vực phát triển mới và khu cải tạo chỉnh trang phù hợp theo các định hướng phát triển chung của TP Biên Hòa theo tiêu chuẩn đô thị loại I. Quy mô dân số khoảng 2.950 - 3.050 người, trong đó khu vực cải tạo khoảng 650 - 700 người và khu vực phát triển mới khoảng 2.300 - 2.350 người.
Thời gian sau, đến ngày 21-7-2014, bà Thanh đã ký Quyết định 2230/QĐ-UBND về việc chấp thuận đầu tư DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” và tên chủ đầu tư là CTCP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát, với quy mô hơn 8,4ha, trong đó phần lấn sông khoảng 77.217m² (tương đương hơn 7,7ha) và phần diện tích đất hiện hữu khoảng 6.825m².
Với sự vào cuộc mang ý nghĩa tích cực của các nhà khoa học trong nước và các cơ quan báo chí, từ tháng 4-2015 đến nay, DA đã tạm ngưng để chờ cơ quan chức năng đánh giá lại tác động đến dòng chảy của dòng sông và mức độ ảnh hưởng về môi trường của DA đối với hệ thống sông Đồng Nai. Việc ký những quyết định cho việc đầu tư DA “lấp sông” nói trên rõ ràng đã gây ra rất nhiều “tai tiếng” cho bà Mỹ Thanh.
Dư luận cũng nghi ngờ bà Thanh có thật sự công tâm khi đơn vị được cho là “sân sau” trực tiếp ký hợp đồng vận chuyển đá để “lấp sông” trong DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”? Theo đó, trong biên bản làm việc ngày 7-5-2015 giữa Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan liên quan về việc làm rõ nguồn gốc vật liệu sử dụng hoạt động nạo vét, san lấp đối với DA “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của CTCP Đầu tư - Thiết kế - Xây dựng Toàn Thịnh Phát thì Hợp tác xã An Phát là 1 trong 3 đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp vật liệu, vận chuyển để dùng vào việc lấp sông Đồng Nai. Được biết, người đại diện pháp luật của Hợp tác xã An Phát là ông Đỗ Tịnh, là chồng của bà Phan Thị Mỹ Thanh.
Hiện trường vụ “lấp sông” Đồng Nai (hồi tháng 4-2015), DA mà bà Phan Thị Mỹ Thanh giúp chồng cung cấp vật liệu để lấn sông.
Hỗ trợ công ty “sân sau”
Tháng 6-2007, tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tuyến đường chuyên dùng vận chuyển khoáng sản tại xã Phước Tân (khi đó thuộc huyện Long Thành) để tách biệt với đường giao thông dân sinh. Ngay sau đó, Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai đã chủ trì họp với các đơn vị và 8 DN hoạt động khoáng sản tại khu vực thống nhất để làm con đường chuyên dùng.
Đến năm 2009, huyện Long Thành có kết luận thông báo về việc các đơn vị khai thác khoáng sản đóng góp xây dựng làm đường chuyên dùng dài 7,5km, với tổng kinh phí gần 86 tỷ đồng, dự kiến sẽ gấp rút để thực hiện thi công vào năm sau. Thời điểm này, mỗi DN đã đóng góp 300 triệu đồng khảo sát, thiết kế để làm đường và chuẩn bị góp vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh Đồng Nai cũng có quyết định thu hồi đất để triển khai thực hiện. Lúc đó, bà Phan Thị Mỹ Thanh đang là Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Đến năm 2011, xã Phước Tân sáp nhập về TP Biên Hòa và bà Thanh cũng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, phụ trách lĩnh vực đầu tư xây dựng và công nghiệp. Vào thời điểm này, các DN “té ngửa” khi được biết việc đầu tư góp vốn của họ để xây dựng con đường chuyên dùng lại bị thay đổi sang hình thức BOT.
Đặc biệt, chủ đầu tư DA con đường chuyên dùng BOT này không ai khác lại là Hợp tác xã An Phát do ông Đỗ Tịnh, chồng bà Thanh, kết hợp cùng CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận ICD đầu tư xây dựng. Sau đó, vào ngày 16-9-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký chứng nhận bên A (cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) là Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai và bên B (nhà đầu tư) là Hợp tác xã An Phát do ông Đỗ Tịnh (người đại diện nhà đầu tư), Chủ tịch HĐQT, thực hiện với tên DA đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng xã Phước Tân và xã Tam Phước theo hình thức BOT (sau được đổi tên thành CTCP đầu tư BOT An Thuận Phát - Liên doanh giữa CTCP Đầu tư phát triển Cường Thuận ICD và Hợp tác xã An Phát), tổng mức vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 4-4-2013, bà Thanh (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) có văn bản ký thay Chủ tịch UBND tỉnh gửi sang Sở GT-VT, Sở KH-ĐT, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai... để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng DA trên với nội dung: Chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách tỉnh đối với phần giải phóng mặt bằng của DA. Tách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng DA thành tiểu DA độc lập, giao cho UBND TP Biên Hòa làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, UBND TP Biên Hòa có văn bản thực hiện theo văn bản mà bà Thanh ký đề nghị.
Về việc này, ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Donacoop), DN góp vốn để làm con đường chuyên dùng nói trên, cho biết: “Lúc này tất cả DN hết sức ngỡ ngàng vì chúng tôi đã đóng tiền đo vẽ, khảo sát lập DA làm đường nhưng không hiểu sao lại cho chuyển sang làm đường theo hình thức BOT. Đường này chỉ phục vụ DN liên quan lợi ích nhóm - là những mỏ đá của chủ đầu tư chứ không đáp ứng nhu cầu các DN khác”.
Theo văn bản của 6 DN đầu tư khai thác tại Cụm mỏ đá Tân Cang (xã Phước Tân, TP Biên Hòa) ngày 10-11-2015 gửi UBND tỉnh, Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai và UBND TP Biên Hòa đã xác định lượt xe ra vào cụm mỏ để vận chuyển đất đá dự kiến có khoảng 5.300 lượt xe/ngày. Đây là các loại xe có tải trọng lớn với mức thu phí cao nhất.
Chỉ cần lấy mức phí trung bình của quãng thời gian thu phí (12 năm, 4 tháng và 28 ngày), với giá 120.000 đồng/lượt thì riêng số lượt xe của các DN này đã cho chủ đầu tư BOT đường chuyên dùng có thể thu về hơn 763 triệu đồng/ngày; trung bình 1 tháng có thể thu về khoảng 22,8 tỷ đồng và 1 năm có thể thu về khoảng 274 tỷ đồng. Trong trường hợp việc khai thác vật liệu xây dựng của các DN tại cụm mỏ này phát triển ổn định, thì sau thời gian thu phí chủ đầu tư có thể thu về hơn 3.300 tỷ đồng. Đó là chưa kể thu các loại hình phương tiện giao thông khác khi đi qua đây. Phân tích bài toán này có thể thấy, trừ đi tổng số tiền đã đầu tư, chủ đầu tư có thể lời tới hơn 3.000 tỷ đồng!
Thu tiền làm hạ tầng nhưng đem gửi lấy lãi
Thu tiền làm hạ tầng nhưng đem gửi lấy lãi
Theo hồ sơ, năm 1996, Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai giao lập DA đầu tư quy hoạch xây dựng hạ tầng khu dân cư cho CB-CNV Nhà máy Dệt Thống Nhất (thuộc địa bàn phường Tân Biên, TP Biên Hòa). Khu quy hoạch được tỉnh phê duyệt gần 1,6ha đất, với 121 lô đất nền cùng các hạng mục hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện.
Sau đó, sở đã thu của các hộ dân tổng số tiền 250 triệu đồng nhưng DA vẫn không được thực hiện. Thời điểm này, Giám đốc Sở Công nghiệp là ông Phạm Văn Sáng (ông Sáng hiện là Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai). Đến năm 2003, bà Phan Thị Mỹ Thanh là giám đốc sở này, tiếp tục thu thêm của người dân với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Tổng cộng 2 lần thu lên đến 1,4 tỷ đồng, với lý do triển khai DA để sớm hoàn thiện.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra về việc xây dựng khu nhà ở tập thể Nhà máy Dệt Thống Nhất vừa được UBND tỉnh Đồng Nai công bố thì trong sổ sách của sở ghi số tiền thuộc DA chi ra đến thời điểm thanh tra là 742 triệu đồng, trong đó giai đoạn bà Thanh về làm giám đốc chi 680 triệu đồng. Nhưng kiểm tra phát hiện thời điểm năm 2003, sở này không triển khai các bước tiếp theo của DA mà đem 670 triệu đồng đi gửi ngân hàng để lấy lãi. Trong vòng 3 năm, sở này rút cả gốc lẫn lãi tổng cộng 747 triệu đồng, trong khi theo tính toán cả gốc và lãi phải hơn 874 triệu đồng.
Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Công Thương (trước đây là Sở Công nghiệp tỉnh Đồng Nai) thu hồi toàn bộ tiền gốc và lãi giao cho các đơn vị tiếp tục triển khai hoàn thành sớm các hạng mục công trình của DA. Sở Nội vụ tỉnh Đồng Nai phối hợp Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy căn cứ nội dung kết luận thanh tra để xử lý các sai phạm của những cá nhân, tổ chức liên quan.
Tháng 7-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận bà Thanh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng chống tham nhũng, vi phạm vào những điều đảng viên không được làm… Về con đường chuyên dùng theo hình thức BOT, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án BOT đường chuyên dùng cho Hợp tác xã An Phát nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh Đồng Nai, chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai, là vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư. |