Để vực dậy ngành bán lẻ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh nhạy thay đổi phương thức bán hàng nhằm cải thiện doanh số, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Kinh doanh sa sút vì dịch bệnh
Vào thời điểm cuối năm 2019 đã có rất nhiều dự báo rằng ngành kinh doanh bán lẻ sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2020. Tuy nhiên, khi cơn bão mang tên Covid-19 ập tới đã “xô đổ” mọi dự báo khả quan cho ngành này. Và TPHCM - nơi hoạt động bán lẻ sôi động nhất của cả nước cũng không tránh được sự tàn phá của bão Covid-19. Các thống kê của ngành công thương TPHCM trong tháng 4-2020 cho thấy, doanh thu hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn sụt giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ 22 ngày cách ly, các hoạt động xã hội gần như bị gián đoạn.
Đánh giá về sự sụt giảm này, theo Sở Công thương TPHCM, cơ cấu tiêu dùng của người dân từ sau tết tới nay đã thay đổi, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Điều này khiến hầu hết các nhà bán lẻ, kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu bị giảm doanh thu hoặc gần như không có doanh thu. Thậm chí, ngay cả trong tháng có các ngày nghỉ lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5, dù các kênh bán lẻ vẫn thực hiện khuyến mãi kích cầu nhưng doanh thu từ thương mại và dịch vụ của thành phố vẫn không có sự thay đổi đáng kể.
Các kênh bán lẻ đã đa dạng hình thức kinh doanh để kéo khách hàng trong mùa dịch.
Ghi nhận thực tế tại nhiều kênh bán lẻ hàng không thiết yếu như đồ nội thất, thời trang, hàng lưu niệm… cho thấy, doanh số bán ra của hầu hết các chuỗi này đều sụt giảm mạnh. Đơn cử như nội thất, đại diện hệ thống siêu thị nội thất BAYA chia sẻ, từ giữa tháng 3 DN này đã chủ động đóng cửa hàng để phòng chống dịch bệnh, khiến kinh doanh khó khăn thêm.
Với lĩnh vực bán lẻ thời trang, theo khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, doanh thu các ngành hàng thời trang có thể giảm 50% - 80% trong các tháng đầu năm nay. Mặc dù từ cuối tháng 4 vừa qua, nhiều hệ thống bán lẻ đã tái khởi động trở lại kinh doanh theo trạng thái bình thường trong giai đoạn mới song sức mua vẫn chưa được cải thiện là bao.
Thậm chí với các siêu thị kinh doanh đa dạng ngành hàng, dù trong suốt thời gian qua luôn hoạt động bình thường nhưng lượng khách đến mua sắm vẫn sụt giảm đáng kể. Giám đốc marketing một siêu thị tại quận Gò Vấp cho biết, kể từ sau tết tới nay, doanh thu tại siêu thị này chủ yếu tới từ ngành thực phẩm, chất tẩy rửa (nước rửa tay, bột giặt…) và một số hàng thiết yếu khác; còn các ngành như điện máy, thời trang, lượng bán ra gần như không có.
Thích ứng bằng đa dạng hóa hình thức kinh doanh
Trước tình hình trên, để vực dậy ngành bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị tại TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, đồng thời kích cầu mua bán qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng. Chính sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp DN cải thiện được doanh thu ảm đạm do ảnh hưởng dịch bệnh.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, online đã góp phần giúp doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị dịp nghỉ lễ 30-4 tăng hơn 30% so với thời điểm trước khi thực hiện cách ly toàn xã hội. Các nhà bán lẻ khác là Big C, Lotte Mart… cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của hình thức bán hàng qua điện thoại, đi chợ giúp khách hàng...
Có thể thấy “điểm sáng” được ghi nhận trong giai đoạn khó khăn hiện nay là sự lên ngôi của thương mại điện tử trong ngành bán lẻ. Đánh giá của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, doanh số bán lẻ giảm đã trở thành đòn bẩy cho lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh mua sắm trực tuyến tăng trưởng, hỗ trợ các hoạt động buôn bán của nhiều cửa hàng trong thời gian dịch bệnh bùng phát.
Dẫn chứng cụ thể, đại diện của CBRE cho hay, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/phút, SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến.
Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, những chương trình giảm giá cùng các giải pháp mua sắm mới đã mang tới cho họ sự lựa chọn phong phú. Chị Trần Thu Hoài (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ, nếu như trước dịch chị phải mua một chiếc bàn ủi với giá 500.000 đồng thì nay, chẳng những được giảm giá lại còn được nhà bán lẻ bổ sung các dịch vụ khác như giao hàng miễn phí, tăng thêm bảo hành… Vì vậy, từ chỗ chưa muốn mua sản phẩm, chị đã “mạnh tay” chi tiền để mua thêm nhiều vật dụng khác để hưởng giá trị cộng thêm mà thời điểm này mới có được.
Giới chuyên gia kinh tế nhận xét, sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, từ đó góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại q