Vùng Baltic tự chủ năng lượng

Ba Lan và các nước vùng Baltic đã tiến một bước dài trong việc chủ động nguồn năng lượng, tránh bị lệ thuộc năng lượng vào Nga, khi vừa khánh thành cảng tiếp nhận khí đốt hóa lỏng lớn ở phía Tây Bắc Ba Lan. Đồng thời, một hiệp định xây dựng đường ống dẫn khí từ Ba Lan qua Lithuania cũng đã được ký.

Ba Lan và các nước vùng Baltic đã tiến một bước dài trong việc chủ động nguồn năng lượng, tránh bị lệ thuộc năng lượng vào Nga, khi vừa khánh thành cảng tiếp nhận khí đốt hóa lỏng lớn ở phía Tây Bắc Ba Lan. Đồng thời, một hiệp định xây dựng đường ống dẫn khí từ Ba Lan qua Lithuania cũng đã được ký.

Những tranh cãi thường xuyên liên quan đến khí đốt giữa Nga và Ukraine khiến Ba Lan và các nước vùng Baltic quan ngại về những hệ lụy khi không tự chủ được nguồn cung về năng lượng. Ý thức rõ được điều đó, các nước trong khu vực Baltic từ nhiều năm qua đã cố gắng tự chủ về nguồn khí đốt để hạn chế việc nhập khẩu từ Nga. Mới nhất, Ba Lan đã khai trương cảng nhập khí hóa lỏng (LNG) lớn đầu tiên tại Swinouijscie, thành phố miền Tây Bắc, để trực tiếp nhận khí đốt nhập từ vùng Vịnh.

Sự kiện được đón nhận như một bước đi trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập năng lượng của Warsaw. Phát biểu trong lễ khánh thành cảng khí đốt, Thủ tướng Ba Lan, bà Ewa Kopacz tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta có thể khẳng định rằng 90% khí đốt được nhập khẩu từ các nguồn khác, và trong năm tới sẽ là 100%”. Chuyên gia năng lượng Ba Lan, ông Wojciech Jakobok nhận định việc đưa vào khai thác cảng khí đốt Swinouijscie sẽ giảm đáng kể nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và từ giờ Ba Lan hoàn toàn độc lập lựa chọn nhà cung cấp, tự chủ đàm phán giá cả mua khí đốt.

Cảng tiếp nhận khí đốt Swinoujscie, có vốn đầu tư xây dựng 720 triệu EUR, có khả năng ban đầu tiếp nhận 5 tỷ m3 khí/năm, tương đương với 1/3 lượng khí tiêu thụ tại Ba Lan. Nhưng năm tiếp theo, công suất có thể nâng lên 7,3 tỷ m3 khí/năm. Hiện tại 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở Ba Lan lấy từ nguồn khai thác trong nước, 40% nhập từ Nga và 20% nhập từ Trung Á. Giống như Ba Lan, Lithuania cũng đã có bước đi đầu tiên để tự chủ về năng lượng.

Nước cộng hòa vùng Baltic này năm ngoái còn lệ thuộc 100% vào nguồn cung cấp khí đốt Nga, năm nay đã cho khánh thành cảng nhận khí đốt nổi, nhờ hợp đồng với Tập đoàn dầu khí Na Uy Statoil. Cảng khí đốt mới đã giúp đất nước 3 triệu dân này mỗi năm nhập trực tiếp 540 triệu m3 khí đốt từ Na Uy, trên tổng số nhu cầu khoảng 2,3 tỷ m3. Các nước vùng Baltic đã có bước tiến mới mang tính quyết định giúp giải thoát khỏi sự cô lập về năng lượng.

Trong tuần qua tại Brussels (Bỉ) một thỏa thuận tài chính quan trọng đã được ký giúp xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Ba Lan sang Lithuania, trong đó Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ một phần tiền. Đường ống dẫn khí đốt được xây dựng có chiều dài 534km, có khả năng vận chuyển 2,4 tỷ m3 khí/năm từ Ba Lan sang Lithuania và có thể nối tiếp sang Latvia và Estonia. Công trình có giá trị đầu tư 558 triệu EUR, trong đó EU hỗ trợ 300 triệu EUR, sẽ đi vào hoạt động từ năm 2020.

Một khu vực thuộc cảng nhập khí hóa lỏng Swinouijscie, Ba Lan.

Một khu vực thuộc cảng nhập khí hóa lỏng Swinouijscie, Ba Lan.

Bên cạnh đó 3 nước vùng Baltic, Lithuania, Latvia và Estonia đang thúc đẩy nhiều dự án nhằm tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống dẫn khí nối với các nước Ba Lan và Đan Mạch hay Phần Lan. Tất cả vì mục tiêu chiến lược tự chủ về năng lượng, không lệ thuộc năng lượng vào bất kỳ quốc gia nào. Những cuộc chiến tranh khí đốt thường xuyên xảy ra giữa Nga và Ukraine, đe dọa cuộc sống của người dân châu Âu chính là động lực để các quốc gia vùng Baltic nỗ lực, vươn lên tự chủ về nguồn cung khí đốt.

(Tổng hợp)

Các tin khác