Công ty hoa Dalat Hasfarm tại Đà Lạt và 40 hộ nông dân trồng hoa tại vùng hoa Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) phải mang 700.000 cành hoa cúc là hoa xuất khẩu, xay làm phân bón để tiêu hủy trong hơn 1 tuần qua.
Nguyên nhân do Bộ NN&PTNT ra quy định mới và buộc các đơn vị sản xuất hoa không được sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa trước khi xuất bán, đồng thời hướng dẫn hợp chất thay thế.
Mức độ độc hại của hợp chất glyphosate là nguyên nhân khiến Bộ NN&PTNT loại hợp chất này ra khỏi danh mục các hợp chất được sử dụng trong nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo quy trình xuất hoa sang thị trường Úc, hoa cúc và cẩm chướng cần phải sử dụng hoạt chất glyphosate để triệt mầm hoa (ngâm 35cm cành hoa trong dung dịch 0,5% hoạt chất trên trong vòng 20 phút). Và đơn vị nhập khẩu hoa tại Úc không chấp nhận sử dụng hợp chất thay thế ngoài glyphosate.
Chính sự "đối đầu" về quy định từ Việt Nam và Úc đã khiến người sản xuất hoa xuất khẩu tại Đà Lạt bị động.
Hơn 1 tuần qua, khi tổ kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc, toàn bộ hoa đã xử lý glyphosate đều phải tiêu hủy, bằng cách xay nhuyễn để ủ phân bón.
Riêng Công ty Dalat Hasfarm đã phải tiêu hủy 3 container. Từ khi hoa không xuất khẩu được sang Úc, công ty thiệt hại 126.000 USD (gần 2,9 tỷ đồng). Nếu trong tháng tới không xuất khẩu được thì thêm khoảng 2,2 triệu cành hoa sẽ phải tiêu hủy, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Mỗi năm từ Đà Lạt hoa được xuất bán cho nhiều nước với 300 triệu cành, đạt 60 triệu USD. Trong đó Úc (chiếm khoảng 5 triệu USD) là thị trường lớn thứ 2 sau Nhật Bản.
Ông Nguyễn Thanh (phường 7, TP Đà Lạt) cho biết: "Hoa trong nước đang không bán được do dịch bệnh nên không được xuất khẩu chúng tôi chỉ biết đốt làm phân bón. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm kiếm được đầu mối xuất khẩu hoa".
Chờ cơ quan chức năng Việt Nam báo cáo
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, mới đây Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã có công văn về việc xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng.
Cục Bảo vệ thực vật cho biết đại diện Bộ Nông nghiệp Úc đã đồng ý việc sử dụng hoạt chất khác thay thế cho glyphosate để xử lý mầm hoa và yêu cầu phía Việt Nam báo cáo thử nghiệm để đánh giá.