Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Nói về tình hình phát triển công nghiệp trong thời gian qua, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết công nghiệp trên địa bàn TP có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TP, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến nay giá trị gia tăng công nghiệp TP chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.
Riêng 4 ngành công nghiệp trọng yếu thời gian qua đã có những phát triển tích cực. Theo đó, tỷ trọng đóng góp giá trị sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 54,11% năm 2013 lên 67,74% năm 2017 trong toàn ngành công nghiệp. Tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng tăng từ 54,52% năm 2013 lên 65,43% năm 2017.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, thời gian qua lĩnh vực công nghiệp đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TP nên các chính sách, giải pháp được điều chỉnh ngày càng thiết thực. Chương trình kích cầu đầu tư đã phát huy hiệu quả, nhiều DN thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã tham gia đổi mới thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Mặc dù có những phát triển nhưng sản xuất công nghiệp nói chung, 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của TP. Nguyên nhân do chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP ngày càng tăng; quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của DN; tính liên kết giữa các DN còn hạn chế…
Do đó, Sở Công Thương đề xuất xác định lại các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Để phát triển tốt các ngành công nghiệp cần có những giải pháp như: giải pháp về đất (rà soát, bố trí quỹ đất cho phát triển công nghiệp); hỗ trợ vốn và đổi mới công nghệ; thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp; phát triển thị trường xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng trong thời gian dài TP chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, điều này phù hợp với kinh tế TP trong thời gian qua. Song trong bối cảnh hiện nay, đề xuất không chọn 4 ngành ưu tiên mà phát triển công nghiệp TP dựa trên 4 trụ cột chính là: phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, nghiên cứu phát triển, liên kết vùng.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TPHCM nhìn nhận các ngành công nghiệp được xem là trọng yếu của TP trong nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển; nhưng trong bối cảnh mới với mức độ đô thị hóa cao và cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành này đã bộc lộ những điểm yếu, và tỷ trọng đóng góp vào GRDP đang có xu hướng chững lại với sự lấn át từ sự phát triển các ngành dịch vụ.
Với bối cảnh đó, GS. Hoài đề xuất hướng tiếp cận phát triển mới cho các ngành kinh tế của TP là đổi mới sáng tạo, cùng với việc thiết kế môi trường phát triển đồng bộ theo quan điểm không tập trung vào một ngành cụ thể nào, mà chủ yếu là xây dựng hệ sinh thái cho tất cả các ngành cùng cạnh tranh và phát triển theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định đối tượng thực hiện các giải pháp, chính sách phát triển công nghiệp phải là DN, đặc biệt là DN trong nước vốn còn nhiều hạn chế. Chúng ta phải lưu ý hiện nay có nhiều chính sách nhưng DN tiếp cận vẫn chưa dễ dàng. Với các DN FDI tập trung thu hút các dự án có tính lan tỏa cao về công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa DN FDI và DN nội địa nhằm phát triển công nghiệp TP.
Lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh với số lượng cơ sở sản xuất, DN cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung và 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng, đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Mạng lưới các DN công nghiệp hỗ trợ đã được hình thành và cơ bản đã tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp TP vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê đất. Thu hút đầu tư của TP đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các DN còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Các chính sách hỗ trợ của TP cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư. Trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.
Chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận hội thảo hôm nay đã có nhiều ý kiến về xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới, nhưng cần phải xác định tiêu chí lựa chọn và có số liệu thống kê cụ thể đối với các ngành để từ đó có các cơ sở lựa chọn đúng các ngành cần tập trung ưu tiên phát triển.
Ông Phong đề nghị Sở Công Thương cùng các sở ngành chuyên môn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, DN; tham mưu xây dựng tiêu chí lựa chọn kết hợp với việc rà soát, thống kê số liệu các ngành để có sở xác định và xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển các ngành cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định phát triển ngành công nghiệp TP là sự quan tâm của cả chính quyền và DN. Bí thư đánh giá công nghiệp TP đã phát triển với nhiều thành tựu nhưng cũng còn những hạn chế do cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tốt. Ai chịu trách nhiệm quản lý phát triển công nghiệp, Sở Công thương chỉ đúng một phần danh nghĩa thôi, vai trò của Khu công nghệ cao và Ban quản lý khu công nghiệp khu chế xuất cũng rất quan trọng nhưng hội thảo lần này lại thiếu báo cáo. Vì thế cần có sự liên kết tốt hơn giữa các đơn vị quản lý.
Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường đối thoại với các DN, hình thành hội đồng phát triển các ngành công nghiệp TP.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện nhân cũng gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các DN, các nhà quản lý đã đóng góp ý kiến cho hội thảo hôm nay. Ông cũng hy vọng sau hội thảo lần này sẽ hình thành đề án phát triển công nghiệp TP trong 5, 10 năm tới.