Xây dựng đường cao tốc ở ĐBSCL: nâng cao năng lực vận tải hàng hóa trong vùng

(ĐTTCO)-Cùng với phát triển đường bộ cao tốc, các chuyên gia cho rằng cần sớm hình thành đường sắt tốc độ cao kết nối TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa trong vùng.
Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)
Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long là điểm nghẽn rất lớn trong thời gian qua. Trung ương đã rất quan tâm đầu tư nhưng hệ thống giao thông nơi đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Những năm gần đây, Bộ Giao thông Vận tải tập trung điều chỉnh quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, qua đó giúp thu hút các nhà đầu tư đến khu vực này để phát triển.

Tăng tốc đầu tư 

Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết với sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 400km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, cảng nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ tạo điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ để phát triển đột phá cho vùng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giao thông vận tải của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang là điểm nghẽn rất lớn. Dù Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư nhưng hệ thống giao thông hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung điều chỉnh giao thông, trong đó xác định giao thông vận tải đã đóng góp những gì cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư đến với khu vực này.

Hiện có 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung vào phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực này.

Hiện cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 90km đường cao tốc và 30km đường cao tốc nữa đang được triển khai. Dự kiến sẽ có thêm 400km đường cao tốc hoàn thành, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Cần Thơ đến mũi Cà Mau. Nhiều dự án cao tốc cũng đang từng bước triển khai như Cần Thơ-Trần Đề (Sóc Trăng), An Hữu-Cao Lãnh-Rạch Giá.

"Chúng tôi xác định cao tốc phải kết nối để phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối vào cảng Trần Đề. Với hệ thống đường cao tốc kết nối với cảng Trần Đề, cùng với sân bay quốc tế Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là điểm đến thuận lợi, thu hút đầu tư mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao, có đủ tiềm năng và điều kiện để phát triển đột phá," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Cùng với phát triển đường bộ cao tốc, các chuyên gia cũng nhìn nhận cần sớm hình thành đường sắt tốc độ cao kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó nâng cao năng lực vận tải hàng hóa trong vùng.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, hệ thống đường bộ kết nối theo cả trục dọc và trục ngang đã có trong quy hoạch là rất đáng hoan nghênh nhưng chưa đánh giá đúng mức đường sắt nối Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Phải tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ, sau đó nối kết với Thành phố Hồ Chí Minh bằng hệ thống đường sắt. Đây là con đường chiến lược và vô cùng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ làm cơ sở sớm triển khai trước năm 2030. Tuyến đường sắt với tốc độ thiết kế khoảng 190 km/giờ cho tàu khách và 120 km/giờ cho tàu hàng, thời gian đi từ Cần Thơ lên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được rút ngắn chỉ còn 75-80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3-4 giờ như hiện nay.

Tuyến đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ và các tỉnh lân cận, khi hoàn thành giúp vận chuyển lượng lớn hành khách và hàng hóa. Tuyến đường cũng giảm tải cho quốc lộ, giảm ùn tắc giao thông, kết nối thuận tiện trên mạng đường sắt quốc gia và tiếp chuyển với các hình thức giao thông vận tải khác.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, Cần Thơ là đầu mối giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ có mục tiêu phục vụ cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, trong đó trọng tâm là vận chuyển hàng hóa cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để kết nối vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực khác của cả nước. Đây là yêu cầu cấp thiết nhất. 

Cần sự đồng bộ

 Quyết tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương là trong vòng 5-10 năm tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn chỉnh từ trục dọc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cà Mau, trục ngang nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi giữa vùng duyên hải và vùng biên giới.

Giai đoạn 2021-2025, việc đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến cao tốc là cần thiết và cấp bách để sớm kết nối đồng bộ.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất sớm triển khai đoạn cao tốc Cao Lãnh-An Hữu thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh.

Tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang từ cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) về cảng Định An (Trà Vinh).

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, với việc đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau, trục dọc cao tốc Bắc Nam phía Tây từ Mỹ An (Đồng Tháp)-Lộ Tẻ (Cần Thơ)-Rạch Sỏi (Kiên Giang) và trục ngang cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng sẽ kết nối đồng bộ, hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc của vùng. Điều này sẽ hiện thức hóa ước mơ, mong mỏi bấy lâu của chính quyền và nhân dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

"Cần Thơ cam kết sớm điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối các tuyến đường cao tốc, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tuyến đường cao tốc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án cao tốc sớm hoàn thành," ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ.

Cùng với mong muốn triển khai các dự án cao tốc trong quy hoạch, hiện các địa phương và doanh nghiệp cũng mong muốn sớm mở rộng các tuyến cao tốc đã hình thành (Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Trung Lương-Mỹ Thuận) nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao trong khu vực.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Long An cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư nút giao tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức để bảo đảm tính kết nối, phát huy hiệu quả với đường Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức-Long Thành đang đầu tư.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, nếu các tuyến đường này hoàn thành và đưa và sử dụng sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện nay, tạo ra sự kết nối liên hoàn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Xay dung duong cao toc o Dong bang song Cuu Long: Dau tu dong bo hinh anh 2
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị bổ sung vào quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau cần mở đến mũi Cà Mau nhằm phát huy kinh tế biển, kinh tế thủy sản, kinh tế du lịch trọng điểm của quốc gia cũng như là trục chính để mở cửa, hội nhập và giao lưu quốc tế, kết nối đường bộ với đường biển…

Kết luận Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ về phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng.

Các địa phương cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá trong thời gian tới; trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; thu nhập của người dân ngày một nâng cao, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Các tin khác