Mắc lỗi trong khâu sản xuất còn nhiều
Phân tích những hạn chế của DN nội trong hoạt động sản xuất, một chuyên gia công nghệ của Tập đoàn Samsung cho biết, có 3 lỗi DN Việt Nam thường mắc phải. Một là tỷ lệ sản phẩm bị lỗi quá cao, chiếm khoảng 15% - 30%. Hai là sắp xếp, phân bổ hoạt động và sắp xếp các công đoạn trong dây chuyền sản xuất không hợp lý, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành sản phẩm, trung bình mất khoảng 10 - 15 ngày. Cuối cùng là thời gian lưu kho sản phẩm, nguyên liệu sản xuất quá lâu, mất khoảng 25 ngày, do khâu dự báo thị trường không tốt.
Đơn cử trường hợp Công ty Vĩ Nam Việt, nhiều mặt hàng “đi” từ nhà máy 1 đến nhà máy 2 hoặc qua công đoạn xi mạ, nhiệt luyện rồi đến đóng gói… mất khoảng 5-15 ngày. Thời gian này quá dài cho một quy trình sản xuất và hậu quả: làm gia tăng giá thành sản phẩm do chi phí nhân công tăng. Với trường hợp Công ty Minh Mẫn thì khác. Công ty yếu trong khâu vận hành kế hoạch nên tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo yêu cầu giao hàng đúng giờ.
Riêng với Công ty Nhật Minh, khâu quản lý kho còn nhiều bất cập. Số liệu hàng lưu kho trên sổ sách không trùng khớp với nguyên liệu và sản phẩm lưu kho thực tế. Thời gian để máy chạy không khá cao, ảnh hưởng đến năng suất sản xuất. Thời gian lưu kho quá dài và chưa có sự quản lý tốt nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu đắt tiền... Đây là những lỗi mà khi mắc phải thì không DN nào có thể cạnh tranh, phát triển cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, nhấn mạnh: Để DN Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng Samsung, phải đạt được những chỉ tiêu rất rõ như giảm tỷ lệ hàng lỗi xuống dưới 1,5%. Tiêu chí giao hàng đúng giờ phải đạt được và đặt biệt giá thành phải đảm bảo cạnh tranh với những DN cung ứng toàn cầu. Không có bất kỳ lý do nào mà Samsung lại có sự ưu tiên cho sản phẩm của DN cung ứng mới, khi lại có giá thành cao hơn sản phẩm của nhà cung ứng đang có mặt trong hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn nhận về những hạn chế của DN Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng hiện chỉ 9% DN trong nước có chứng nhận quốc tế đạt tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng toàn cầu. DN nội rất thiếu thông tin lựa chọn của các công ty đa quốc gia nên không tiếp cận được phía cầu; thiếu nhà cung cấp trong nước có khả năng cạnh tranh; DN Việt Nam tiếp cận tài chính khó và không thể vay thấu chi; nguồn nhân lực Việt Nam thiếu những kỹ năng phù hợp với những ngành cụ thể; DN phải chịu rất nhiều rủi ro về tài chính và đầu tư để đi đến điểm kết nối với công ty đa quốc gia…
Cần tranh thủ sự hỗ trợ từ DN nước ngoài (FDI)
Chia sẻ về mục tiêu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện Công ty Nhật Minh cho biết đây là sự nỗ lực dài hơi của công ty. Trước đó 3 năm, công ty đã cải thiện hoạt động sản xuất. Từ nhân viên đến lãnh đạo Công ty Nhật Minh đã nỗ lực 200% để đổi mới công nghệ sản xuất, trình độ nguồn nhân lực, giảm tỷ lệ hàng lỗi từ 5% xuống 1,5% và đang tiến tới mục tiêu chỉ còn 0,5%… Đây cũng là cơ sở để công ty có mặt trong dự án được Samsung hỗ trợ cải tiến hiệu suất sản xuất hiện tại.
Trước thực tế đó, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM phối hợp cùng Tập đoàn Samsung triển khai dự án hỗ trợ DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ nay đến cuối năm 2017, đoàn chuyên gia Samsung sẽ hỗ trợ 3 DN thành phố là Minh Mẫn, Vĩ Nam Việt và Nhật Minh cải tiến hiệu suất sản xuất để đạt tiêu chuẩn gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Trước đó, cũng đã có 26 DN được Samsung hỗ trợ về cùng nội dung trên.
Ông Shim Won Hwan cho biết thêm, với những DN được các chuyên gia Samsung đánh giá là có tiềm năng và được lựa chọn để đưa vào dự án hỗ trợ cải tiến hiệu suất sản xuất, Samsung sẽ nhanh chóng cung cấp các tài liệu cơ bản cần thiết liên quan để họ nghiên cứu. Các chuyên gia Samsung cũng sẽ có trách nhiệm thường xuyên đến làm việc với cơ sở sản xuất và nhà xưởng của DN Việt Nam, Samsung hỗ trợ toàn bộ chi phí tư vấn và chuyên gia tư vấn.
Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí trở thành nhà cung ứng toàn cầu, DN Việt Nam nói chung cũng như DN được hỗ trợ đợt này nói riêng cần phải có sự thống nhất trong việc thực hiện cải tiến hiệu suất sản xuất từ cấp lãnh đạo đến nhân viên. Bên cạnh đó, cần xác định rõ mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm phải chiếm tỷ trọng nhiều và là trọng tâm trong hoạt động cải tiến chất lượng của DN.
Không dừng lại đó, để đạt được mục tiêu bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, ngoài những nỗ lực của DN, Chính phủ Việt Nam cần thay đổi chính sách hiện tại, tận dụng nguồn đầu tư FDI để hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong nước, hỗ trợ tinh thần doanh nhân phát triển. Bên cạnh đó, nâng cao kỹ năng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng tốt và kết nối với các quốc gia trong cùng chuỗi cung ứng để gia tăng kết nối thị trường. Đặc biệt, phải tái cấu trúc lại nền kinh tế thị trường theo hướng công bằng hơn trong hoạt động cạnh tranh.