Chiều 27-12, ghi nhận của PV Báo SGGP, xe mang biển số 80A của Bộ Công an đã đến trụ sở Công ty Điện lực Bình Thuận (EVN Bình Thuận). Tại đây, tổ công tác đã thu giữ nhiều tài liệu, máy tính tại trụ sở và đưa lên xe đưa đi.
Xe biển 80A của Bộ Công an đến trụ sở EVN Bình Thuận
Từ chiều đến tối cùng ngày, tổ công tác cũng đến nhà riêng của 5 bị can ở TP Phan Thiết, gồm: Trần Ngọc Linh, nguyên Giám đốc EVN Bình Thuận; Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc; Trương Tấn Đạt, Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư; Lê Quang Nghĩa, Trưởng phòng; Tạ Thúc Thông, Chuyên viên Phòng Kế hoạch Vật tư, EVN Bình Thuận; để thực hiện các biện pháp tố tụng.
Xe của Bộ Công an đến nhà riêng của ông Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc EVN Bình Thuận
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, liên quan dự án điện ở Bình Thuận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố 17 bị can.
Qua quá trình điều tra, C03 đã làm rõ các dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân (viết tắt là Tập đoàn Tuấn Ân), Công ty Điện lực Bình Thuận (viết tắt là EVN Bình Thuận) và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu cung cấp vật tư, thiết bị, phụ kiện cho ngành điện.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 26-12, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước", xảy ra tại Tập đoàn Tuấn Ân, EVN Bình Thuận và các đơn vị liên quan.
Xe của Bộ Công an có mặt tại nhà một bị can
Khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 17 bị can, trong đó có 5 bị can là cán bộ, nguyên cán bộ của EVN Bình Thuận, gồm: Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt, Lê Quang Nghĩa và Tạ Thúc Thông về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ", quy định tại các điều 222 và 354 Bộ Luật Hình sự.