Việc UBND TPHCM quyết định thu hồi giấy phép dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm đang khiến dư luận quan tâm. Xung quanh việc cấp rồi rút giấy phép dự án này đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là vì sao giấy phép được cấp, rồi lại rút. Công viên phần mềm Thủ Thiêm từng được xem là dự án lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực phần mềm, với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Có ý kiến cho rằng ngay từ đầu dự án này đã chẳng thuận buồm xuôi gió. Cách đây 3 năm, vào ngày 11-6-2008, UBND TPHCM đã cấp phép đầu tư dự án cho chủ đầu tư là liên doanh giữa Công ty TNHH TA Associates Việt Nam (TA Việt Nam), CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigon Tel) và Công ty TA Associates International, Pte. Ltd - Singapore.
Nhưng chỉ sau đó 5 ngày, phía chủ đầu tư dự án đã gửi công văn kiến nghị với UBND TPHCM xin giảm giá tiền thuê đất, thay đổi một số chức năng dự án, giảm tiến độ thanh toán tiền thuê đất, tăng thời gian cho thuê từ 50 năm lên 70 năm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tuy nhiên những kiến nghị này không được đáp ứng.
Trong khi các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân chờ đón ngày dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy công nghệ phần mềm Việt Nam và kinh tế TPHCM phát triển, sau lễ khởi công “đình đám” vào tháng 7-2008 dự án này đã nằm im cho đến nay.
Nhưng quan trọng hơn, chủ đầu tư chưa chi trả đồng nào tiền thuê đất cho UBND TPHCM trong suốt 3 năm qua. Tính sơ bộ con số cũng lên tới hơn 1 triệu USD. Với một dự án có vốn đầu tư “tỷ đô”, nhưng ngay từ đầu phía chủ đầu tư đã kỳ kèo chuyện giá thuê đất, thời gian thuê… khiến ai cũng không khỏi đặt nghi vấn về năng lực và mục đích thật sự của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trước khi cấp phép TPHCM đã có đoàn công tác liên ngành sang Singapore tham quan 1 dự án khác của chủ đầu tư này và sau đó dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm được chấp thuận. Như vậy, nếu chủ đầu tư có năng lực thật sự, phải chăng năng lực thẩm định dự án của ta còn hạn chế?
Công viên phần mềm Thủ Thiêm không phải là dự án đầu tiên tại TPHCM và cả nước bị rút giấy phép đầu tư. Đã có không ít dự án thuộc các tỉnh, thành phố khác cũng nằm trong diện buộc phải rút giấy phép do chậm triển khai…
Qua đó có thể thấy các cơ quan chức năng nước ta nên nâng cấp khả năng thẩm định dự án và thẩm định năng lực nhà đầu tư, không thể để cảnh cấp rồi rút giấy phép tiếp diễn. Bởi lẽ điều này không chỉ gây lãng phí tiền của, đất đai mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.