Tuy nhiên, dự thảo cuối cùng để trình tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV vào tuần tới không có gì mang tính đột phá như kỳ vọng của thị trường. Đặc biệt liên quan đến tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hiện được các nhà đầu tư quan tâm vì thời gian qua, TTCK Việt Nam phát triển cũng có sự góp sức không nhỏ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, nhiều kiến nghị cho rằng, để phù hợp với xu thế mở cửa về đầu tư theo các hiệp định thương mại tư do mà Việt Nam cam kết tới đây, cần xem xét quy định cho phép có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn mức hiện hành đối với nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện và chưa có quy định về sở hữu nước ngoài.
Góp ý về việc này, ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách HĐQT HoSE, cho rằng, chính cơ chế áp room này là rào cản lớn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam, hạn chế sự phát triển của TTCK. Vì thực tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu trên thị trường không phải muốn thay thế cơ cấu sở hữu doanh nghiệp hoặc tham gia quyền biểu quyết trong các kỳ đại hội cổ đông mà đơn thuần họ chỉ là nhà đầu tư tài chính trên thị trường.
Đại diện nhiều công ty chứng khoán cũng góp ý: việc tiền kiểm liên quan đến room ngoại hiện nay trên TTCK không chỉ làm mất các nhà đầu tư nước ngoài mà còn hạn chế sự thanh khoản của TTCK Việt Nam. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân Việt Nam chưa được Tổ chức FTSE nâng hạn TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi hạng 2 mặc dù đã đưa vào danh sách xem xét nâng hạn từ tháng 9-2018.
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần quy định giống thông lệ quốc tế như: DN nào vượt room quy định thì không được tham gia biểu quyết tại đại hội cổ đông, hoặc chỉ chốt tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài trước thời điểm diễn ra đại hội cổ đông, còn sau đó, các nhà đầu tư vẫn được giao dịch tự do… Nếu giải quyết được vấn đề kỹ thuật trên sẽ giải quyết bài toán lớn cho TTCK và thể hiện thiện chí trong việc nâng hạn TTCK Việt Nam trong thời gian tới.