Chính sách thuế đang tạo ra sự thiếu công bằng với các loại hình doanh nghiệp (DN), khi đưa ra quá nhiều ưu đãi cho khối DN đầu tư nước ngoài (FDI) và DNNN nhưng lại bỏ rơi, thậm chí bóp chết DNNVV từ trong trứng nước.
Kẻ ăn không hết
Tháng 5-2014, Công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (lãnh thổ Đài Loan) đã gửi công văn đến Chính phủ đề nghị xin thành lập Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với nhiều ưu đãi vượt mọi khung khổ quy định của pháp luật Việt Nam. Đề xuất này đã không được chấp thuận vì dự án Formosa hiện đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, như các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được).
Câu chuyện đòi ưu đãi vượt khung của Formosa không phải cá biệt. Công ty TNHH Samsung Display (Hàn Quốc) vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp phép cho dự án sản xuất màn hình có độ phân giải cao Samsung Display, với vốn đầu tư 1 tỷ USD ở Tổ hợp công nghệ cao Samsung Bắc Ninh. Khi làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam về dự án này, Samsung Display cũng đề nghị một loạt ưu đãi như đã từng có với các dự án của Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Đó là được hưởng chế độ ưu tiên hải quan kể từ ngày thành lập; được áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có doanh thu; được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, đồng thời được giảm 50% số thuế phải nộp trong 3 năm sau giai đoạn 9 năm đó.
Không chỉ DN FDI, các DNNN cũng nhận được nhiều ưu đãi. Đơn cử, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa xin trợ cấp với lý do 6 tháng đầu năm 2014 đã chịu lỗ 160 tỷ đồng do ảnh hưởng của sự kiện biển Đông. Trong báo cáo gửi tới Bộ Giao thông-Vận tải, Vietnam Airlines đưa ra một loạt kiến nghị để hỗ trợ tổng công ty qua giai đoạn khó khăn hiện nay, như xin giảm 25% giá các dịch vụ hàng không, bao gồm các dịch vụ hạ cất cánh, soi chiếu an ninh hàng hóa/hành lý, điều hành đi/đến; xin giảm mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu năm 2014 xuống 3% từ mức thuế 7% hiện nay vì chi phí nhiên liệu bay hiện chiếm tới 38% tổng chi phí của hãng…
Người lần không ra
Trong khi các đại gia như Formosa, Samsung hay Vietnam Airlines nhận được nhiều ưu đãi của chính sách thuế, Công ty TNHH Khánh Bình của ông Nguyễn Ngọc Thuận - một DN nhỏ có trụ sở tại quận 6 TPHCM - đang phải tính đến chuyện giải thể vì bất cập trong quy định mới về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo ông Thuận, Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định DN mới thành lập kể từ ngày 1-1-2014 thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị đạt ngưỡng từ 1 tỷ đồng trở lên được đăng ký kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào; các DN không đáp ứng ngưỡng 1 tỷ đồng áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT.
Trong 2 phương pháp tính thuế này, phương pháp tính trực tiếp trên GTGT gây bất lợi cho DN. Theo đó, DN nộp thuế GTGT trên doanh thu (tỷ lệ từ 1, 2, 3, 5% doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ) sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (5%, 10% giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào). Vì thế, DN vừa phải ứng trước số tiền thuế GTGT đầu vào nhưng không được khấu trừ khi mua hàng hóa, dịch vụ, vừa phải nộp thêm tiền từ doanh thu hoặc nguồn vốn khác để nộp thuế GTGT tính trên doanh thu khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Điều này trực tiếp làm tăng gánh nặng cho DN về vốn kinh doanh. Mặt khác, do thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ mà hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập DN, càng làm tăng giá thành hàng hóa, dịch vụ và giảm lợi nhuận, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN so với các DN được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
![]() |
DN nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG |
Tại Hội nghị đối thoại với Cục Thuế TPHCM ngày 8-8 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Thuận đã phản ánh khó khăn về thuế GTGT này với lãnh đạo ngành thuế TP, đồng thời cảnh báo sẽ có tình trạng mua bán lòng vòng giữa các DN nhằm đạt ngưỡng 1 tỷ đồng để được tính theo phương pháp khấu trừ.
Nhiều DN khác cũng cho rằng Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN nhỏ với DN lớn, giữa DN mới thành lập với DN đã thành lập trước đó… Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Thị Lệ Nga trả lời đây cũng là khó khăn chung của nhiều DN. Hiện vướng mắc này đã được các cục thuế địa phương phản ánh lên Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi.