Sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì 752 điều kiện. Đây là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự tiến bộ của quá trình cải cách môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng những điều kiện mà Bộ Công thương sửa đổi, bãi bỏ cũng chưa triệt để; trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát còn đến 10 ngành nghề giới doanh nghiệp đã kêu ca rất nhiều nhưng chưa được cắt giảm như xuất khẩu gạo, tạm nhập tái xuất hàng hóa, kinh doanh khoáng sản...
Thực hiện mục tiêu kiến tạo - phát triển, có thể nói một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ suốt thời gian qua là tăng cường rà soát, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đáng nói là đến nay mức độ thực thi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, như một cách diễn đạt khác: “trên nóng dưới lạnh”.
Tại các buổi làm việc với các bộ ngành liên quan, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, thực tế đòi hỏi phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, nhưng cũng phải tạo điều kiện thông thoáng để phát triển kinh tế; tích cực tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; chống lợi ích nhóm, co kéo lợi ích cục bộ. Về “điểm nghẽn” kiểm tra chuyên ngành nói chung, biểu hiện nổi rõ là thực hiện chồng chéo, một mặt hàng chịu điều chỉnh bởi nhiều văn bản của các bộ ngành, cơ quan đưa ra.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chỉ rõ: “Chỉ riêng các quy định của Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương làm cho doanh nghiệp phải tốn 28.793.000 ngày công trong tổng số 30 triệu ngày, tốn 12.208 tỷ đồng trong tổng số 14.300 tỷ đồng của cả năm 2016 vì chi phí cho kiểm tra chuyên ngành”.
Chỉ còn quý nữa sẽ kết thúc năm 2017, và đến nay Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,7%. Để thực hiện được việc này, cả xã hội và mọi thành phần kinh tế phải vào cuộc.
Chỉ còn quý nữa sẽ kết thúc năm 2017, và đến nay Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,7%. Để thực hiện được việc này, cả xã hội và mọi thành phần kinh tế phải vào cuộc.
Tại Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) APEC mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp: Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng, tin cậy, thân thiện với các doanh nghiệp, nhất là DNNVV; không chỉ khuyến khích tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người tham gia đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi phát huy sáng tạo, đóng góp tích cực cho xã hội...
Để tăng tốc phát triển kinh tế thích ứng môi trường mới, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu nhận định: Mô hình phát triển cũ dựa trên khai thác nguồn tài nguyên sẵn có đã trở nên không ổn định, kém hiệu quả và không bền vững. Thực tế đòi hỏi cần chuyển sang mô hình mới, động lực mới dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Để thoát ra mô hình sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả cần xem xét lại vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế thấy rõ DNNN dù được giao trọng trách là “nòng cốt”, “chủ đạo của nền kinh tế” song với hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty và các dự án gây thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng đang nổi lên hiện nay, cho thấy DNNN lại là yếu tố gây bất ổn, mất cân đối nền kinh tế; phá vỡ ổn định vĩ mô; gây lãng phí lớn nguồn lực nhà nước.
Để thoát ra mô hình sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả cần xem xét lại vai trò doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế thấy rõ DNNN dù được giao trọng trách là “nòng cốt”, “chủ đạo của nền kinh tế” song với hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty và các dự án gây thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng đang nổi lên hiện nay, cho thấy DNNN lại là yếu tố gây bất ổn, mất cân đối nền kinh tế; phá vỡ ổn định vĩ mô; gây lãng phí lớn nguồn lực nhà nước.
Khu vực DNNN được tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tiền vốn, được giao các dự án lớn, độc quyền kinh doanh... nhưng hiệu quả mang lại không tương ứng. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra dẫn chứng: Nếu như các DNNN phải cần đến 1,63 đồng vốn (năm 2011) và 2,15 đồng (2014) mới tạo ra 1 đồng doanh thu, thì doanh nghiệp tư nhân chỉ cần bỏ ra 1,21 đồng (2011) và 1,42 đồng (năm 2014).
Các doanh nghiệp FDI hiệu quả còn cao hơn nữa, chỉ mất 1,05 đồng vốn (2011) và 1,12 đồng (2014) để tạo ra 1 đồng doanh thu. Một mối nguy hại khác của DNNN là tình trạng “tay không bắt giặc”, vốn tự có thấp nhưng vay mượn nhiều. Tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên đến từ 3-10 lần.
“Trên thực tế, hoạt động của các DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản của chính họ, mà còn làm tăng nợ xấu và gánh nợ quốc gia”, TS Trần Đình Thiên bình luận.
Điều này không là cảnh báo mà đã thành thực tế. Trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn hiện nay, Bộ Tài chính vừa đưa ra bản tin nợ công (số 5) cho biết: Nợ công Việt Nam tính đến hết năm 2015 lên đến 61% GDP, tăng 3% so với năm trước đó.
Cụ thể, năm 2015 tổng dư nợ Chính phủ vay tương đương 94,3 tỷ USD; trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là 54,67 tỷ USD. Đáng chú ý trong bản tin nợ công lần này có thống kê các khoản nợ vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp; trong đó nợ nước ngoài của doanh nghiệp lên đến 41,22 tỷ USD.
Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chính phủ bày tỏ lo ngại về các khoản vay được Chính phủ bảo lĩnh, cho rằng: Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lĩnh Chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công, và là một gánh nặng nghĩa vụ trả nợ trong tương lai.
... Để tăng tốc phát triển đạt hiệu quả, lành mạnh và bền vững, những yếu kém trong nền kinh tế đã được điểm mặt, chỉ rõ. Có vượt qua những thách thức này, ta mới theo kịp xu thế thời đại kỹ thuật số, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện đưa nước ta vượt thoát “bẫy thu nhập trung bình”.
Có tái cơ cấu nền kinh tế một cách thực chất mới chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả sang khu vực sử dụng hiệu quả, kích hoạt tinh thần dấn thân, lập nghiệp của toàn xã hội.