Xoay chuyển để sống chung với dịch

(ĐTTCO)-Tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa có chuyển biến tích cực, khó khăn vẫn bủa vây các DN trong nhiều lĩnh vực như du lịch,  nhà hàng hay một số nhóm ngành xuất khẩu. Để tồn tại, nhiều DN đã chọn cách sống chung với dịch bệnh, xoay chuyển và thích nghi. 
Doanh nghiệp xoay chuyển sống chung với dịch.
Doanh nghiệp xoay chuyển sống chung với dịch.
Du lịch sống chung với dịch
Từ nửa cuối năm ngoái khi đợt dịch Covid-19 lần 2 ập tới, nhiều người đã quen với hình ảnh ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Công ty Du lịch Lửa Việt đi giao từng 5kg, 10kg gạo tận nhà cho khách. Khi có thêm nước mắm, cá biển ngon ông cũng chat với từng khách hàng để giới thiệu.
Đây là nghề tay trái khi du lịch lâm vào thế ngủ đông của ông Mỹ và một số nhân viên của Lửa Việt. Công việc này giúp ông cũng như cộng sự có thu nhập trong bối cảnh  nguồn tài chính của DN dần cạn kiệt do hoạt động cầm chừng.
Hay ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đã quyết định đầu tư sản xuất khẩu trang y tế phục vụ trong nước và xuất khẩu hồi cuối năm 2020. Việc xoay chuyển này dù không dễ dàng, nhưng đã giúp nhiều nhân viên của Du lịch Việt có nguồn thu chờ dịch qua đi.
Một doanh nhân trong ngành du lịch cũng đang được nhắc đến là ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA travel. Trong khi chờ du lịch khởi động trở lại, ông Đạt chọn sản xuất kinh doanh bia tươi. Và nhiều lãnh đạo DN lữ hành khác kinh doanh nông sản, bán thức ăn online…
Dịch Covid-19 đã biến du lịch từ một ngành tăng trưởng ổn định sang ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Suốt hơn 1 năm qua, ngành du lịch cứ tưởng như phục hồi nhưng lại bị “đánh úp” liên tục. Nhiều DN không chịu nổi phải chia tay thị trường, nhất là mảng du lịch quốc tế. Nhưng không ít DN quyết tâm trụ lại bằng mọi cách.
Thay vì ngồi chờ gói hỗ trợ của Chính phủ, họ chủ động tìm cách xoay chuyển, làm nghề tay trái khi dịch tới. Khi dịch được kiểm soát, ngay lập tức họ tung ra các chương trình tour phục vụ nhu cầu khách hàng. 
Không chỉ nỗ lực duy trì qua dịch bằng đủ mọi nghề, nhiều DN lữ hành cho đây là thời gian tốt để tung ra những sản phẩm du lịch nội địa mới, hấp dẫn du khách khi dịch qua đi.
Chia sẻ với ĐTTC, bà Đoàn Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty lữ hành Saigontourist, nhấn mạnh một trong những giải pháp giúp công ty bám trụ với thị trường là tăng cường phát triển sản phẩm mới tour trọn gói, tập trung khai thác mạnh dòng sản phẩm tour tự do/dịch vụ tour thiết kế riêng theo yêu cầu của từng nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình…
“Ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi xem đây là cơ hội tái tạo nhân lực, xây dựng sản phẩm nhằm mang lại cam kết vàng cho những hành trình đầy cảm xúc của khách hàng” - bà Trà nói. 
Cũng chia sẻ góc nhìn này, ông Lại Minh Duy, Tổng giám đốc TST tourist, cho biết khi tập trung thị trường nội địa do dịch bệnh, những người làm du lịch đã khám phá thêm được nhiều vẻ đẹp của đất nước, từ đó tạo nguồn cảm hứng mang đến những sản phẩm du lịch mới cho khách. 

Nhà hàng lên online
Covid-19 mang đến nhiều thách thức cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song với việc xoay chuyển để thích ứng, mục tiêu xuất khẩu của một số ngành như dệt may, gỗ đều có bước tăng trưởng hơn so với năm ngoái. 
Cùng với du lịch, các chuỗi nhà hàng cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch. Những mặt bằng đẹp trước đây phải cạnh tranh gay gắt để có được nay trở thành gánh nặng. Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi nhà hàng phải giảm mạnh quy mô và tìm cách dịch chuyển lên online. Chuỗi thức ăn nhanh Việt mang tên Pizza Home, là một trong số đó.
Ngoài việc giảm những điểm bán không hiệu quả, chuỗi thức ăn nhanh này đã quyết định thêm sản phẩm và thêm kênh bán hàng mới. Theo đó, Pizza Home tạo ra những sản phẩm chuyên giao tận nhà và tăng cường các ứng dụng giao đồ ăn. Hiện Pizza Home là top seller trong mảng chuỗi nhà hàng ăn nhanh trên các ứng dụng giao đồ ăn. 
Hay câu chuyện chuyển mình lên online của ông lớn Golden Gate cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Từ một DN nói không với đặt hàng online cho một số chuỗi cao cấp của mình, Golden Gate đã phải thay đổi chiến lược. Họ nhanh chóng nâng cấp app The Golden Spoon thành lập từ năm 2016, đồng thời xuất hiện trên các app giao đồ ăn như Now, Baemin, Grabfood…
Điều đáng ghi nhận, Golden Gate đã rất nhanh chóng hoàn thiện các sản phẩm phù hợp đóng gói mang đi cho việc kinh doanh online. Cũng là chuỗi nói không với nền tảng giao đồ ăn, nhưng The Coffee House nay cũng chuyển mình lên các ứng dụng giao đồ ăn. Hiện trên các ứng dụng giao đồ ăn người tiêu dùng có thể tìm thấy đủ món ăn, đủ thương hiệu nhà hàng từ bình dân đến cao cấp, điều trước dịch không dễ thấy. 
Dịch Covid-19 còn làm xuất hiện mô hình bếp trung tâm như Grabkitchen do Grab sáng lập, hay mới đây là mô hình bếp trên mây Cloud Cook do anh Hoàng Tùng, chủ thương hiệu Pizza Home sáng lập. Với những mô hình này các nhà bán hàng có thể giảm rủi ro về chi phí thuê mặt bằng, cũng như đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng giao đồ ăn.
Bán hàng online, bán hàng qua ứng dụng đang chiếm ưu thế trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ai kịp xoay chuyển người đó có thêm cơ hội sống sót, phát triển.
Chia sẻ với ĐTTC, anh Hoàng Tùng, sáng lập Pizza Home, CEO của Bếp trên mây Cloud Cook, nhìn nhận giao đồ ăn tại nhà là xu hướng lớn và ẩm thực không phải lúc nào cũng là trải nghiệm. Sẽ có những mô hình ẩm thực chuyên để trải nghiệm và có những hình thức ẩm thực chuyên về sự tiện lợi. 2 xu hướng này đều phát triển và khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng tiện lợi, ship tận nhà tăng trưởng rất mạnh. Mô hình bếp trên mây ra đời chính là để đón đầu xu thế tiện lợi đang tăng trưởng mạnh.

Xuất khẩu tìm cách thích ứng
Năm 2020 khi dịch bùng phát toàn cầu, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam điêu đứng, trong đó rất nhiều DN dệt may phải tạm ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc. Qua năm 2021 tình hình của ngành dệt may đã có nhiều dấu hiệu tích cực hơn.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết nhu cầu tiêu dùng tại các quốc gia là những thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may đang phục hồi, nên đơn hàng cũng nhiều hơn. Một số thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch cũng khiến đơn hàng dịch chuyển sang thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, mẫu mã đặt hàng lại thay đổi khi khách hàng ưa chuộng dòng phổ thông hơn là những mặt hàng chuyên nghiệp như veston, quần âu... Điều này khiến một số DN lấy veston, quần âu… là mặt hàng chủ lực phải chuyển hướng để thích nghi với tình hình mới. 
Thách thức nữa trong bối cảnh dịch hiện nay với ngành dệt may là thiếu lao động. Năm ngoái khi tình hình khó khăn, nhiều lao động không có việc làm, về quê hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ khác.
Năm nay có đơn hàng người lao động không trở lại. DN buộc phải tăng ca, đầu tư thêm máy móc tự động hóa để công nhân chưa lành nghề cũng có thể sản xuất được. Dịch cũng khiến các DN thận trọng hơn trong ký kết hợp đồng và thỏa thuận các hình thức thanh toán. 
Cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ phải tìm cách thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh chưa kiểm soát được. Thông thường, hàng năm ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tổ chức hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài để chào hàng và nhận đơn hàng. Dịch đến việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, các hội chợ triển lãm quốc tế không thể tổ chức.
Vì thế, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) đã cho ra mắt nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE (hopefairs.com). Thông qua nền tảng này các nhà mua hàng quốc tế được tiếp cận hàng trăm DN Việt với những thiết kế mới nhất được trình bày qua công nghệ scan 3D. Theo Hawa nền tảng này đang mang lại nhiều kết quả tích cực cho các DN tham gia.

Các tin khác