“Xốc dậy” nền kinh tế, trọng tâm trước mắt là TPHCM

(ĐTTCO) - Từ quý III-2022, nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn trước những biến động khó lường từ tình hình kinh tế thế giới sau khi các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất…
“Xốc dậy” nền kinh tế, trọng tâm trước mắt là TPHCM

Trong nước, áp lực lạm phát gia tăng, sức ép lãi suất, tỷ giá, thị trường xuất khẩu giảm sút và điểm nghẽn xuất hiện trên hàng loạt thị trường như thị trường vốn, bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)… Trọng tâm của năm 2023 mà Chính phủ đặt ra là tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường vốn, gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho DN, gia tăng năng lực cạnh tranh để thúc đẩy nền kinh tế.

Quý I-2023, một loạt quy định hành chính như Nghị định 08 sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN; Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, cho thấy Chính phủ đang tích cực hỗ trợ tháo gỡ các nút thắt của thị trường TPDN cũng như thị trường BĐS, khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Chính phủ cũng đã ký quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương…

Theo đó, NHNN đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 16, với các điều kiện mới cho phép các NH mua TPDN phát hành mới nhằm tài trợ vốn lưu động, và mua lại các TPDN không niêm yết để mở một số nút thắt về dòng tiền cho các DN BĐS. Đồng thời, NHNN đã giảm lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn lần lượt xuống 3,5%/năm và 5,5%/năm, giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn nhằm kéo giảm lãi suất cho vay.

Mới nhất, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ cũng đã chính thức được triển khai bởi 4 NHTM có vốn nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV.

Trong khi đó diễn biến ngoại lai từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NH Trung ương châu Âu (ECB) và NH Trung ương Anh (BoE) đang đi vào giai đoạn cuối của quá trình tăng lãi suất, đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại sắc xanh trong tháng 3. VN Index tăng 3,8% và đóng cửa tháng 3 tại 1.064,6 điểm, khơi dậy kỳ vọng tháng 4 sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng.

Song số liệu tăng trưởng kinh tế quý I-2023 thực tế đã thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,3%. Nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi Covid-19 (quý I-2020 và quý III-2021), đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I-2009.

Những cỗ máy tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay như lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, quý I giảm 0,4% so với cùng kỳ, BĐS âm 0,1%, lĩnh vực xây dựng vốn gắn liền với dịch vụ BĐS và đầu tư công cũng không khá hơn, chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng bình quân khoảng 5,5% trong quý I của 5 năm gần nhất.

TPHCM vốn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước, cũng cho thấy bức tranh kém tích cực khi tăng trưởng GRDP trong quý I-2023 chỉ đạt 0,7%, bán lẻ tiêu dùng chiếm hơn 18% cơ cấu GRDP của thành phố chỉ tăng 3,8%.

Rõ ràng đây là một thách thức lớn không chỉ ở quý đầu tiên của năm nay, mà có thể còn kéo dài trong các quý tới, vì các chính sách mới ban hành thường không thẩm thấu nhanh vào thị trường, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hồi phục. Đặt trong bức tranh chung như vậy, để đạt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra và chỉ tiêu Quốc hội giao, những quý còn lại cần phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để bù đắp những gì quý I chưa đạt được.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bối cảnh khó khăn đặt ra yêu cầu: đã cố gắng rồi, cần cố gắng hơn nữa; quyết tâm rồi, cần quyết tâm hơn nữa; nỗ lực rồi, cần nỗ lực hơn nữa; có trọng tâm, trọng điểm rồi cần trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; làm việc nào phải dứt điểm việc đấy với quyết tâm cao nhất có thể, thực hiện tốt nhất mục tiêu đã đề ra.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đề nghị từng ngành, từng lĩnh vực nhìn nhận sát thực, khách quan nhất và nghiêm túc nhất những gì đã làm, đang làm và sẽ làm, để đề ra giải pháp cho quý II và những quý còn lại của năm.

Các tin khác