Tăng cường thu hút vốn FDI, giảm thuế không là 'cây đũa thần'

(ĐTTCO) - Dù thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến áp dụng vào đầu năm 2024, nhưng vấn đề này trở nên nóng lên tại một số diễn đàn, hội nghị và là chủ đề được doanh nghiệp nước ngoài (FDI), đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn tại Việt Nam quan tâm. 
Tăng cường thu hút vốn FDI, giảm thuế không là 'cây đũa thần'

Theo đó, mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) áp dụng tối thiểu 15%, nhằm hạn chế tình trạng giảm thuế TNDN quá mức giữa các nước, ngăn ngừa hành vi chuyển giá khi xác định các khoản doanh thu, thu nhập.

Hiện Việt Nam với dự án FDI có thời gian hoạt động 50 năm, nếu được áp dụng mức ưu đãi tối đa 12,3%/năm, thậm chí có DN FDI lớn ở Việt Nam chỉ nộp thuế TNDN khoảng 7%. Trong khi so với các nước ASEAN, mức thuế suất TNDN phổ thông đang áp dụng tại Thái Lan, Lào, Campuchia là 20%, Philippines 30%, Myanmar 25%, Malaysia 24%, Indonesia 22% , Singapore 17%, Brunei 18,5%…

Như vậy với chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay của Việt Nam, liệu việc tham gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% có làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua chính sách ưu đãi thuế TNDN?

Theo Bộ Tài chính, kinh nghiệm ở nhiều nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế (như Ngân hàng Thế giới WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF), cho thấy ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

Xu hướng cải cách của các nước trên thế giới trong những năm gần đây cũng cho thấy, một số nước đã thực hiện chủ trương thu hẹp phạm vi ưu đãi, chỉ tập trung cho một số ngành ưu tiên, mũi nhọn (nghiên cứu đổi mới, phát triển khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo...) và vùng đặc biệt khó khăn, cũng như đưa ra các giải pháp tạo thuận lợi, giảm bớt chi phí cho nhà đầu tư và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Thực tiễn ở nhiều nước cũng chỉ ra, ưu đãi thuế chỉ có vai trò như “món tráng miệng”, và sẽ không quá quan trọng nếu như “món chính” là cơ chế chính sách thông thoáng được chuẩn bị tốt. Nghĩa là, chính sách ưu đãi thuế không thể thay thế được các nền tảng để đáp ứng các yêu cầu về môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, minh bạch thể chế, giảm chi phí hành chính cho DN.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi), trong đó, sẽ rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như xu hướng áp dụng sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu để xây dựng các chính sách ưu đãi và nguyên tắc áp dụng ưu đãi phù hợp, nhằm tiếp tục thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài…

Nói như ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội, đúng là chính sách ưu đãi về thuế hấp dẫn, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam chú trọng ưu đãi hơn cho các DN FDI nhỏ và vừa (đối tượng không chịu thuế tối thiểu toàn cầu) có công nghệ và có thể thúc đẩy chuyển đổi công nghệ tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc thực thi quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra những thách thức mới trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như đầu tư của DN Việt ra nước ngoài thời gian tới. Thời gian áp dụng quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi rộng rãi.

Tuy nhiên, cũng theo bà Ngọc, Việt Nam cam kết giữ gìn “hình ảnh ổn định” của môi trường đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cũng như tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Các tin khác