Ưu tiên 'lọc' dự án thay vì chạy theo mục tiêu 38 tỷ USD FDI

(ĐTTCO) - Dù không chấp nhận thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng mọi giá, nhưng sự suy giảm đáng kể về lượng vốn FDI trong 2 tháng đầu năm nay, đang khiến dư luận lo ngại về mục tiêu thu hút 36-38 tỷ USD trong năm nay sẽ gặp khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn DN của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hồi tháng 12-2022. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn DN của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hồi tháng 12-2022. Ảnh: TTXVN

Dấu hiệu chững lại

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), năm 2023 Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn FDI (tăng 30-37% so với 2022).

Có 3 yếu tố quan trọng để thu hút vốn FDI tiếp tục khởi sắc trong năm 2023, gồm: Kết quả tăng trưởng kinh tế trong năm 2022; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo lập niềm tin với nhà đầu tư (NĐT) và khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Mặc dù vậy, dòng vốn FDI vào Việt Nam dường như đang chững lại. Nếu năm 2022 nguồn vốn FDI vẫn ổn định và đạt kỷ lục cao nhất trong vòng 10 năm (đạt gần 28 tỷ USD), sang năm nay FDI ghi nhận dấu hiệu suy giảm. Bắt đầu từ tháng 1, con số vốn FDI đã cho thấy những suy yếu đầu tiên và tình trạng càng hiện hữu rõ trong tháng kế tiếp.

Theo Bộ KH-ĐT, tính đến trung tuần tháng 2 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐT nước ngoài chỉ đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ 2022. Cùng thời điểm này, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2022.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, cả nước chỉ có 261 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,76 tỷ USD và 133 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ); tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 535,4 triệu USD (giảm 85,1% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, vốn FDI tập trung chủ yếu cho các dự án khu công nghiệp (KCN) nay đều đang chững lại. Trong những tháng đầu năm, ngoài Bắc Giang là địa phương dẫn đầu cả nước với 824,3 triệu USD vốn FDI đăng ký mới. Một số địa phương khác vẫn duy trì được thu hút FDI như TPHCM, Bình Dương, Quảng Ninh và Đồng Nai, tại nhiều địa phương khác đều ghi nhận sự sụt giảm dòng vốn này.

Như mới đây Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong quý I các KCN của tỉnh chỉ thu hút được 3 dự án FDI trong tổng số 4 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư quy đổi hơn 35,44 triệu USD, tổng số đất sử dụng gần 11ha, thấp hơn so với các năm.

Nguyên nhân khiến tình hình thu hút đầu tư vào các KCN có dấu hiệu chững lại do tình hình lạm phát gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước. Các NĐT vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh thu sụt giảm do đó nguồn vốn đầu tư bị hạn hẹp… Thực trạng này cũng đang diễn ra với nhiều địa phương khác.

Cần tăng sức hấp dẫn

Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu chững lại, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Việt Nam cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Song song đó, cần ưu tiên các KCN chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu và xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp (DN) công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN trong nước.

Trong báo cáo thường niên công bố mới đây của Hiệp hội DN FDI, cơ quan này nhận định dựa trên báo cáo của UNCTAD, FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhiều quốc gia tiếp tục sàng lọc FDI. Tuy nhiên, khả năng thu hút FDI của Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, dù vẫn còn không ít thách thức.

Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia. Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia.

Trao đổi với ĐTTC, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM), cho biết năm nay mục tiêu thu hút 36-38 tỷ USD vốn FDI vừa là kỳ vọng vừa là thách thức. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI cần hướng đến các NĐT chiến lược, công nghệ cao có khả năng tạo lập chuỗi sản xuất cho DN trong nước.

“Chúng ta không cố gắng thu hút vốn FDI bằng mọi giá, cần lựa chọn những dự án đầu tư đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, đem lại giá trị gia tăng. Các dự án phát triển bền vững, môi trường hay sáng tạo cũng cần được ưu tiên” - bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho NĐT nước ngoài; nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Đặc biệt, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức, bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của DN FDI, còn của DN tư nhân trong nước. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy, kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Về phía Chính phủ, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới, nhằm lựa chọn các NĐT nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các tin khác