Vì vậy chỉ cần một thông tin nhỏ, một thông tin cũ sẽ dễ dàng bị bóp méo, kẻ xấu lợi dụng kích động. Do vậy, để đối phó không chỉ lĩnh vực tài chính, mà ngay cả những thông tin bất lợi trong kinh doanh, các doanh nghiệp lớn, tập đoàn thường có hẳn một bộ phận xử lý khủng hoảng thông tin rất tinh tế. Còn vụ việc Agribank vừa qua, cho thấy việc xử lý chậm trễ như kiểu “nước đến chân mới nhảy”, thậm chí nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng mà đáng ra không cần thiết.
Mọi việc bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 9-11-2018, sau khi có thông tin cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), sau đó một số thông tin dây chuyền liên quan được đề cập rất bài bản: Agribank đứng ra bảo lãnh cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) vay vốn của BHXH, trước đó ALCII đã đệ đơn lên tòa án xin tuyên phố phá sản. Và thế là thông tin quy kết “ALCII bị tuyên phá sản, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII. Nguy cơ Agribank phá sản cũng rất lớn”.
Ảnh minh họa.
Thực ra Agribank là một NH có vốn hoàn toàn của Nhà nước, cùng với 3 NH có vốn Nhà nước thuộc loại tầm cỡ của Việt Nam (BIDV, Vietcombank và Vietinbank). Do vậy chuyện Agribank phá sản là hoàn không thể xảy ra. Và có lẽ nghĩ như vậy nên Agribank xử lý thông tin rất chậm, và cũng không định hình trước khi sự việc xảy ra.
Nhưng với người dân, nhất là những người dân vùng quê-thị trường chính trong việc huy động vốn của Agribank, với họ “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nên một khi thông tin trên mạng xã hội lan khắp nước với tốc độ cực nhanh, thì việc họ đi rút tiền là chuyện khó tránh khỏi.
Theo Văn bản 11237/NHNo-TTTTr về việc thông tin liên quan đến ALCII, do chính bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank ký ngày 10-11-2018, gửi đến cơ quan thông tấn báo chí và được xem như Thông cáo báo chí: “Những ngày gần đây, do ảnh hưởng bởi tin đồn thất thiệt Agribank phá sản, tại một số địa phương, đặc biệt là các khu công nghiệp đã xảy ra hiện tượng công nhân xin nghỉ việc để đến NH rút tiền. Sự việc có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, gây tâm lý bất an đối với khách hàng Agribank nói riêng và xã hội nói chung. Trước tình hình trên, Agribank đã kịp thời báo cáo NHNN, Ban Tuyên giáo Trung ương và chủ động công bố thông tin…”.
Thực ra văn bản gửi báo chí ngày 10-11, nhưng ngày này lại là thứ bảy và đương nhiên ngày 11 vào chủ nhật cũng sẽ khó có thông tin chính thống công bố đại trà. Ngay như một tờ báo điện tử thuộc dạng nắm thông tin nhanh nhất cũng phải đến tối ngày 11 mới đăng tải. Và sau đó các báo đồng loạt đăng vào thứ hai ngày 12 và thứ ba ngày 13. Rõ ràng khoảng thời gian này các trang mạng xã hội cũng như kẻ xấu lợi dụng kích động rất thoải mái, và sự cố đáng tiếc đã xảy ra.
Trước khi viết bài này, chúng tôi liên lạc trực tiếp với Agribank hỏi xung quanh vụ việc này đã có thông cáo báo chí chưa, thì được biết đã có văn bản rồi. Khi tôi yêu cầu thì được gửi qua mail. Rõ ràng việc đính chính thông tin thất thiệt vừa qua đã được Agribank làm theo kiểu “ai cần thì gửi”, chứ không phải một cuộc công bố chính thống. Phải chăng Agribank đã dựa vào việc “đã báo cáo NHNN, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan cần thông báo là đủ?”.
Ngay như đến tối thứ 4 ngày 14, chúng tôi truy cập vào trang http://www.agribank.com.vn (trang chính thống của Agribank) vẫn không hề có một dòng chữ nào nói về vấn đề này để giãi bày với khách hàng. Rõ ràng đã có một sự bất cần hay cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của Agribank, bởi cho dù là doanh nghiệp nhà nước cũng phải bảo vệ khách hàng theo cơ chế thị trường, nhất là trong thời đại thông tin bùng nổ của 4.0.
Thực ra thông tin thất thiệt nói trên đã bị lợi dụng là điều quá rõ. Bởi theo Đề án tái cơ cấu Agribank, ngày 30-5-2016, ALCII đã đệ đơn lên tòa án xin tuyên bố phá sản. Ngày 31-7, Tòa án Nhân dân TPHCM đã ra Quyết định 1009/2018/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản đối với ALCII. Ngày 12-10, Agribank ban hành Quyết định 2004/QĐ-NHNN thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII. Đây là doanh nghiệp thuộc Agribank, là tổ chức tín dụng phi NH, có tư cách pháp nhân độc lập.
Và các sai phạm của ALCII diễn ra trong giai đoạn 2006-2008, đã được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước. Do vậy việc phá sản ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank, cũng như tiền gửi của khách hàng tại Agribank. Theo báo cáo kiểm toán lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng dần qua các năm (năm 2016 đạt 4.212 tỷ đồng; năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng, 10 tháng năm 2018 đạt 6.000 tỷ đồng).
Đối với BHXH cũng vừa có công văn gửi các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến việc 2 cựu tổng giám đốc của đơn vị này là Lê Bạch Hồng và Nguyễn Huy Ban bị bắt do liên quan vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BHXH, ALCII”. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra cách đây 10 năm và đã có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các tập thể, cá nhân có liên quan đã bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Từ sự việc trên cho thấy, việc xử lý khủng hoảng thông tin trong thời đại số phải hết sức chuyên nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nhạy cảm như tài chính NH.