Mới đây, kết luận từ Bộ Công Thương khẳng định những điều báo chí, dư luận đề cập trước đó. Theo kết luận kiểm tra, Công ty TNHH Khải Đức - đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk - đã vi phạm hàng loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng cùng các vi phạm về thuế như không có thành phần silk như công bố trong sản phẩm 100% silk; có dấu hiệu vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn; che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng và bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
30 năm xây dựng và phát triển thương hiệu, từng mang đến niềm tự hào cho người Việt từ mua, sử dụng đến biếu tặng sản phẩm Khaisilk nhưng vụ việc này có lẽ là dấu chấm hết đối với thương hiệu này vì hành vi buôn gian bán lận. Vụ tai tiếng này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu trên thị trường còn có đơn vị nào làm ăn gian dối như Khaisilk?
Một người bạn làm kinh doanh từng tiết lộ, giới kinh doanh trong nước về một số mặt hàng tiêu dùng không đặt hàng sản xuất nội địa mà mua trực tiếp sản phẩm nước ngoài, rồi về “lai tạo” dán mác sản xuất trong nước không phải là hiếm. Câu chuyện này không mới và thực tế việc ở bên cạnh quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới, dù sản xuất, buôn bán bất kỳ sản phẩm nào cũng gặp nhiều khó khăn, do giá thành hạ, mẫu mã đẹp, phong phú. Thực tế nhiều năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, còn nhập khẩu luôn đứng vị trí số 1, tỷ lệ nhập siêu khá cao. Cán cân thương mại luôn thâm hụt hơn 10 năm nay, và riêng 11 tháng năm 2017 đã lên đến 21,8 tỷ USD.
Một người bạn làm kinh doanh từng tiết lộ, giới kinh doanh trong nước về một số mặt hàng tiêu dùng không đặt hàng sản xuất nội địa mà mua trực tiếp sản phẩm nước ngoài, rồi về “lai tạo” dán mác sản xuất trong nước không phải là hiếm. Câu chuyện này không mới và thực tế việc ở bên cạnh quốc gia được mệnh danh là công xưởng của thế giới, dù sản xuất, buôn bán bất kỳ sản phẩm nào cũng gặp nhiều khó khăn, do giá thành hạ, mẫu mã đẹp, phong phú. Thực tế nhiều năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, còn nhập khẩu luôn đứng vị trí số 1, tỷ lệ nhập siêu khá cao. Cán cân thương mại luôn thâm hụt hơn 10 năm nay, và riêng 11 tháng năm 2017 đã lên đến 21,8 tỷ USD.
Ngày 31-7-2009, Bộ Chính trị đã ban hành Văn bản 264-TB/TW về việc tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các chương trình được phát động trên toàn quốc, như hàng Việt về nông thôn, vùng sâu khiến người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến hàng Việt.
Tuy nhiên, với lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú, hàng hóa Trung Quốc vẫn thâm nhập sâu vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác, từ nhập khẩu chính thức lẫn nhập lậu, thậm chí qua hình thức “mượn” thương hiệu Việt. Cách đây vài năm, hàng Trung Quốc dùng nhãn hiệu Việt đã xuất hiện và được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cảnh báo về tình trạng này. Cụm từ “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt” khi tra Google chỉ trong 0,8 giây đã cho ra 166.000 kết quả. Các sản phẩm đội lốt cũng rất đa dạng, từ sản phẩm nông, lâm thủy hải sản cho đến may mặc, điện tử…
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, tại các cửa khẩu cảng biển TPHCM, cơ quan hải quan đã phát hiện và ngăn chặn gần 20 container hàng có xuất xứ Trung Quốc giả nhãn hiệu nổi tiếng, giả xuất xứ Việt Nam và một số nước châu Âu. Mới đây, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin có đến 34% thép Việt xuất đi Hoa Kỳ trùng mã HS với thép Trung Quốc và ngày 5-12, Hoa Kỳ đã công bố áp mức thuế lên tới 265% đối với thép sản xuất tại Việt Nam làm bằng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Có thể nói Khaisilk đã chủ động gian lận trong kinh doanh, làm niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt bị giảm sút nghiêm trọng, đi ngược với chủ trương thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Song điều nhức nhối là Khaisilk đã lừa dối người tiêu dùng hàng chục năm qua nhưng chỉ được phát hiện bởi người tiêu dùng - đối tượng vốn cần phải được bảo vệ. Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương và trực tiếp là cơ quan quản lý thị trường ở đâu trong vụ gian lận của Khaisilk?
Vụ việc Khaisilk là bài học đắt giá, là lời cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự là cần thiết. Bởi những hành vi làm ăn gian dối như vậy cần phải bị xử nghiêm khắc. Đồng thời cũng cho thấy việc kiểm soát thị trường cần phải được làm tốt hơn nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, củng cố niềm tin người tiêu dùng Việt vào hàng Việt.